Theo đó, đáng chú ý là quy định mức vốn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước với mỗi dự án tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động).
Dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước phải là các dự án được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá là có hiệu quả, đảm bảo trả nợ đầy đủ cả nợ gốc và nợ lãi;
Có vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án, mức cụ thể do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư và phương án trả nợ của dự án, trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (bao gồm cả tín dụng đầu tư của Nhà nước) tính trên vốn tự có của Ngân hàng Phát triển Việt Nam không được quá 15% với một khách hàng; 25% với một khách hàng và người có liên quan, trừ các trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Về thời hạn cho vay, được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của khách hàng phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án nhưng không quá 12 năm. Riêng với các dự án đầu tư thuộc nhóm A, thời hạn cho vay vốn tối đa là 15 năm.
Khách hàng khi vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để đầu tư dự án phải thực hiện các biện pháp đảm bảo tiền vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam; các biện pháp bảo đảm cụ thể sẽ được quyết định đối với từng dự án.
Khách hàng có nghĩa vụ và trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam đầy đủ và đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký; trong thời gian ân hạn, khách hàng chưa phải trả nợ gốc nhưng phải trả lãi theo hợp đồng; lãi suất nợ quá hạn với mỗi dự án sẽ do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định, tối đa bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn.