TP.HCM: Khó khăn trong quy hoạch 137 nút giao thông

(PLO)- Từ tháng 4-2016, UBND TP.HCM có nhiều chỉ đạo về công tác lập quy hoạch các nút giao thông trên địa bàn TP nhưng đến nay việc rà soát quy hoạch của các quận, huyện vẫn chậm trễ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở QH-KT TP.HCM đã có báo cáo gửi UBND TP kiến nghị dừng lập quy hoạch 137 nút giao thông trên địa bàn TP vì nhiều khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng nút giao.

Sáu năm, bảy văn bản chỉ đạo vẫn chưa xong

“Từ năm 2016 đến nay, UBND TP đã có nhiều văn bản chấp thuận chủ trương theo đề xuất của Sở QH-KT và có nhiều ý kiến chỉ đạo liên quan công tác lập quy hoạch các nút giao thông trên địa bàn TP” - văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi vừa gửi các sở, ban ngành; quận, huyện về công tác này nêu rõ.

Phối cảnh nút giao An Phú (TP Thủ Đức) sắp được đầu tư. (Ảnh do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cung cấp)

Phối cảnh nút giao An Phú (TP Thủ Đức) sắp được đầu tư. (Ảnh do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cung cấp)

Cụ thể, đã có bảy văn bản chỉ đạo của UBND TP được ban hành gồm các thông báo 162, 489/2016; các công văn 3139, 6660/2017; 1488/2018; 371/2020 và 938/2022. Theo nội dung các chỉ đạo trên, UBND TP giao Sở QH-KT TP chủ trì, phối hợp với các sở GTVT, KH&ĐT, Tài chính và UBND các quận, huyện khẩn trương tổ chức rà soát, đề xuất lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 các nút giao thông trên địa bàn TP.

Trong đó ưu tiên lập quy hoạch trước các nút giao trên các đường vành đai, đường trục hướng tâm, đường cấp đô thị... trình UBND TP phê duyệt, làm cơ sở để quản lý quy hoạch đô thị được đồng bộ. Đồng thời giải quyết các thủ tục về đất đai, cấp phép xây dựng và tháo gỡ vướng mắc cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi quy hoạch tại các nút giao thông trên địa bàn TP.

Trên cơ sở đó sẽ xác định được cụ thể phạm vi ranh giới quy hoạch, quy mô và hình dạng của các nút giao thông để tổng hợp đề xuất trình UBND TP báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM theo quy định. “Tuy nhiên, tiến độ thực hiện công tác lập quy hoạch các nút giao thông trên địa bàn TP chậm trễ, không theo kế hoạch đề ra” - văn bản chỉ đạo của ông Mãi nêu.

Nhằm chấn chỉnh và đẩy nhanh công tác lập quy hoạch các nút giao thông trên địa bàn TP, UBND TP đề nghị Sở QH-KT TP chủ trì, làm việc với các sở GTVT, KH&ĐT, Tài chính, Ban quản lý khu Nam, Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức… về công tác trên.

Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần đề xuất cụ thể danh mục các nút giao thông cần lập quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan và công tác phối hợp thực hiện, thời gian hoàn thành, phân bổ nguồn kinh phí thực hiện, trình lại UBND TP trước cuối tháng 5 năm nay.

Nhằm chấn chỉnh và đẩy nhanh công tác lập quy hoạch các nút giao thông trên địa bàn TP, UBND TP đề nghị Sở QH-KT TP chủ trì, làm việc với các sở GTVT, KH&ĐT, Tài chính, Ban quản lý khu Nam, Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức…

về công tác trên.

Những vướng mắc trong quy hoạch 137 nút giao thông

Theo Sở QH-KT TP, trong đồ án quy hoạch phân khu và các đồ án quy hoạch chi tiết trên địa bàn TP hiện nay, nhiều nút giao lớn (giữa các trục đường chính cấp đô thị, cấp khu vực) chỉ xác định vị trí nút giao, chưa định hướng dạng thức giao thông.

Một số nút giao được thể hiện dưới dạng vòng tròn, không thể hiện đủ thông tin về dạng thức, phạm vi ranh giới nút giao phục vụ quản lý quy hoạch xây dựng tại khu vực và đầu tư xây dựng nút giao (theo rà soát của Sở QH-KT có khoảng 137 nút giao loại này trong các đồ án quy hoạch phân khu).

Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, tại các vị trí nút giao nêu trên không đủ cơ sở xác định về phạm vi và dạng thức nút giao, ranh giới cụ thể giữa chức năng đất giao thông và các loại đất chức năng đô thị khác trong khu vực lân cận nút giao gây khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng nút giao. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi về xây dựng, đất đai của người dân có công trình và quyền sử dụng đất trong phạm vi ảnh hưởng của các nút giao.

Trường hợp lập quy hoạch (quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết) riêng cho nút giao, đối với các nút giao chỉ cần xác định rõ phạm vi ranh giới của đất chức năng giao thông thì sẽ có nhiều nội dung không thực sự cần thiết hoặc không thể hiện được như thiết kế đô thị, đánh giá môi trường chiến lược....

Riêng đối với trường hợp lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đối với các nút giao còn có một số vướng mắc, hạn chế như cần bổ sung, hoàn chỉnh pháp lý quy hoạch phân khu trước; lập quy hoạch chi tiết các nút giao khi chưa gắn với quá trình nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng cụ thể có thể gây lãng phí...

Những vấn đề nêu trên dẫn tới quá trình lập quy hoạch chi tiết 137 nút giao theo kế hoạch sẽ kéo dài, khó bảo đảm tiến độ và yêu cầu thực tiễn quản lý. Từ đó, Sở QH-KT TP kiến nghị UBND TP xem xét chấp thuận không tiếp tục lập quy hoạch chi tiết đối với các nút giao thông trên.•

Quy hoạch các nút giao thông là cần thiết

Trao đổi với PV, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng quy hoạch các nút giao thông về nguyên tắc nằm trong quy hoạch chung về giao thông, nơi nào có trục lớn thì sẽ tạo ra các nút giao, tùy lưu lượng mà thiết kế các nút giao thông.

Ngoài ra, các nút giao thông còn có quy hoạch chi tiết. Chính quy hoạch chi tiết mới cần phải quan tâm như sử dụng bao nhiêu đất, giải tỏa ra sao, kỹ thuật, xây dựng cầu vượt, hầm thế nào… Từ đó mới đưa ra kế hoạch đầu tư, bao nhiêu tiền cho các nút đó. “Tôi cho rằng rà soát quy hoạch các nút giao trên địa bàn TP là cần thiết” - ông Cương nói.

Tuy nhiên, theo ông Cương, trước nay công tác quy hoạch nút giao còn có nhiều khó khăn. Ví như các nút giao đã hình thành trong đô thị, đến giờ lưu lượng tăng, không đảm bảo lưu lượng, vì vậy cần tính toán cải tạo lại nhưng khi đó bài toán giải tỏa đất đai, mặt bằng xung quanh cần phải tính toán hợp lý. Còn với những nút giao có mặt bằng lớn như nút giao An Phú (TP Thủ Đức), chúng ta có điều kiện thiết kế, quy hoạch, đầu tư, hoàn chỉnh nút giao sẽ tốt hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm