TP.HCM: Mỗi năm tăng bình quân gần 10.000 trẻ mầm non

(PLO)- Tính đến cuối năm 2021-2022, TP.HCM có 3.112 cơ sở giáo dục mầm non.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 18-8, đoàn Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của quốc hội giám sát "Việc thực hiện chính sách pháp luật đối với giáo dục mầm non tại Khu công nghiệp, khu chế xuất" trên địa bàn TP.HCM" đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM.

Tại buổi làm việc, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết tại TP.HCM, hằng năm bình quân trẻ mầm non tăng gần 10.000 trẻ. Tính đến cuối năm 2021-2022, toàn TP có 3.112 cơ sở giáo dục mầm non gồm 1.351 trường, 1.761 nhóm trẻ - lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập, 14.420 nhóm - lớp học. Số trẻ mầm non là gần 305.000 với hơn 25.000 giáo viên.

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NQ

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NQ

TP hiện có 16 khu chế xuất, khu công nghiệp với 776 trường mầm non, 1.177 nhóm, lớp độc lập tư thục. Đến nay đã có 24 trường mầm non ở vị trí liền kề và bên trong khuôn viên của các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Các chính sách về pháp luật đối với giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất luôn được TP triển khai đầy đủ.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án trường mầm non tại các khu công nghiệp, chế xuất gặp khó do vướng mắc tại một số nghị định. Ví dụ, Nghị định số 36 của Chính phủ về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế quy định "không có dân cư sinh sống trong khu công nghiệp, khu chế xuất". Do đó, khu công nghiệp và chế xuất hình thành và được Bộ xây dựng phê duyệt không có quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ tiện ích người lao động....

Từ đó, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất một số vấn đề sau:

Đối với Chính phủ cần ban hành nghị định triển khai chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế nhằm khuyến khích xã hội hoá trong việc đầu tư phát triển trường, lớp mầm non ngoài công lập tại các KCN- KCX. Cần “luật hoá” trách nhiệm của các doanh nghiệp, tránh việc chỉ vận động, kêu gọi, khiến hiệu quả không như mong đợi.

Cần xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của đoàn thể và của nhà đầu tư từ ưu đãi, vay vốn, đất đai; chính sách đối với giáo viên hợp đồng trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Ngoài ra, chính phủ ban hành chính sách ưu đãi chuyên biệt dành cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực GD&ĐT. Thực tế, ngoài mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho dự án giáo dục ở mức tương đối thấp thì các dự án giáo dục chưa được hưởng hỗ trợ đặc biệt nào trong quá trình đầu tư như: hỗ trợ về tìm kiếm địa điểm, về các thủ tục... Cần có quy định không chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở sang đất giáo dục để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập.

Đối với Bộ GD&ĐT, TP.HCM kiến nghị điều chỉnh Nghị định số 46 về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Bên cạnh đó, TP.HCM đề nghị xem xét điều chỉnh Thông tư số 13 của Bộ GD&ĐT về ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT nhiều cấp học. Trường mầm non có quy mô tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 20 nhóm lớp. Diện tích khu đất xây dựng trường, điểm trường được xác định trên cơ sở số nhóm, lớp, số trẻ em với bình quân tối thiểu 12m2 cho một trẻ em, đối với các đô thị miền núi, khu vực trung tâm các đô thị có quỹ đất hạn chế cho phép bình quân tối thiểu 10 m2 cho một trẻ em” chưa phù hợp thực tế.

Điều chỉnh Thông tư số 02 về ban hành danh mục, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học cho giáo dục mầm non do chưa phù hợp với điều kiện thực tế.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm