Sáng 16-8, đoàn công tác của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nguyễn Thị Mai Hoa làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát tại trường mầm non Tân Tạo và UBND quận Bình Tân liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo dục mầm non tại khu công nghiệp trên địa bàn quận.
Kiến nghị tăng số lượng biên chế
Bà Cao Thanh Tuyền, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân cho biết quận có 316 cơ sở giáo dục mầm non gồm 24 trường mầm non công lập, 78 trường mầm non tư thục và 214 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập, tư thục, giải quyết chỗ học cho trẻ mầm non là 22.672 trẻ. Trong đó, các cơ sở mầm non công lập giữ 7.495 trẻ (chiếm tỷ lệ 33,1%), các cơ sở mầm non ngoài công lập là 15.177 (chiếm tỷ lệ 66,9%).
Toàn cảnh buổi làm việc của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tại quận Bình Tân vào sáng nay. Ảnh: NQ |
Trên địa bàn quận có 3 khu công nghiệp: Khu công nghiệp Tân Tạo, khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Khu công nghiệp Tân Bình mở rộng và công ty TNHH PouYuen Việt Nam. Hiện quận có 4 trường mầm non công lập nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Tổng số lượng trẻ là con em đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn quận là 14.550 trẻ, trong đó có 1.738 trẻ là con công nhân trong khu công nghiệp đang theo học tại 91 cơ sở giáo dục mầm non.
UBND quận luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục, ngân sách chi cho giáo dục khoảng 50% chi thường xuyên của quận (Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục trên tổng chi ngân sách chi ngân sách địa phương năm 2022 ước đạt 52%). Các chính sách pháp luật đều được quận thực hiện đầy đủ.
Tại buổi giám sát, quận Bình Tân kiến nghị 2 vấn đề.
Thứ nhất, quận kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh Nghị định số 46/2017/NĐ-CP để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hoá giáo dục. Theo quy định tại Nghị định 46 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; trong đó có nêu từng bậc học, yêu cầu điều kiện đầu tư khi thành lập trường phải “có đề án thành lập trường phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Hiện có nhiều nhà đầu tư có nhà, đất hoặc thuê lại nhà, đất trong khu dân cư với diện tích lớn, đủ điều kiện mở trường lớp, nhà đầu tư muốn mở trường học nhưng đất không thuộc quy hoạch trường học nên quá trình xã hội hoá giáo dục trên địa bàn quận rất khó khăn.
Một giờ học của các bé trường Mầm non Tân Tạo, quận Bình Tân. Ảnh: NQ |
Thứ hai, quận kiến nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ sửa đổi Thông tư 06/2015 ngày 16 tháng 3 năm 2015, theo đó tăng số lượng biên chế kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ tại các trường mầm non, từ 2 biên chế lên 3 biên chế, trong đó phải có ít nhất 1 nhân viên y tế, đặc biệt với các địa bàn có đông học sinh như quận Bình Tân (có những trường mầm non lên tới gần 700 học sinh) và có điều kiện dịch bệnh phức tạp như hiện nay.
Ba vấn đề cần quan tâm
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của quốc hội cho biết liên quan đến tháo gỡ vướng mắc trong Nghị định 46 của Chính phủ, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu. Tuy nhiên một vấn đề cần lưu ý việc mở trường, lớp phải nằm trong quy hoạch. Quá trình quy hoạch phải được phê duyệt, chứ không phải cứ có đất là có thể mở trường. Việc xây dựng trường lớp được tính toán rất kỹ trên dân số, trên định hướng phát triển.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NQ |
Đối với vấn đề tăng biên chế, hiện chủ trương chung chỉ có thể tinh giảm biên chế (tất nhiên chúng tôi đang đấu tranh tinh giảm ở chỗ nào, riêng giáo dục phải cân nhắc thật kỹ có học sinh là phải có cô giáo). Việc đề nghị tăng thêm biên chế rất khó. Còn phương thức sao có thêm người làm các vị trí trên mà không phải biên chế sẽ được giải quyết bằng cách khác. Hiện nhiều tỉnh, thành đang hợp đồng người làm việc những vị trí này.
Cũng theo bà Mai Hoa, qua buổi làm việc có ba vấn đề cần đặt ra để tìm hướng giải quyết.
Thứ nhất, phát triển mầm non, đầu tư cho giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp là một vấn đề có ý nghĩa chính trị, đó là sự quan tâm tới lực lượng công nhân và con em của công nhân. Vì vậy mới có chính sách đặc thù cho giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, qua thực tế, hình như chính sách đang có vấn đề đối với đối tượng đích hướng tới. Chủ trương hay, chính sách tốt nhưng hiệu quả tác động tới đối tượng đích như thế nào? Không phải số trường số lớp mà phải tính được con em của công nhân trên địa bàn được thụ hưởng chính sách này là bao nhiêu?
Thứ hai, xã hội hoá giáo dục đang có vấn đề. Để phát triển giáo dục, nhà nước không thể lo hết do đó đòi hỏi sự chung tay cả xã hội, trong đó có sự đóng góp tự nguyện của phụ huynh. Đối với các trường tại các khu công nghiệp cần phải lưu ý vì lương công nhân không nhiều trong khi tiền để đóng theo cơ chế xã hội hoá càng ngày càng tăng.
“Chúng tôi muốn hướng đến xã hội hoá chính là trách nhiệm xã hội của chính các doanh nghiệp đang sử dụng lực lượng lao động là công nhân, phải làm sao thu hút để họ cùng tham gia chăm lo trường lớp. Hiện qua báo cáo tại trường Mầm non 30-4, doanh nghiệp và người lao động cùng hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ là 50%. Chúng ta phải làm sao tăng tỷ lệ doanh nghiệp và giảm tỷ lệ đóng góp của công nhân. Đây cũng là vấn đề cần quan tâm”, bà Hoa nhấn mạnh.
Thứ ba, thực tế hiện nay cho thấy số con em công nhân tham gia gửi tại các trường công lập rất ít, đa phần họ chọn các nhóm trẻ độc lập, tư thục.
“Các trường mầm non công lập đang dư chỉ tiêu. Nhu cầu học của con em công nhân rất lớn nhưng họ lại chọn gửi con ở các nhóm tư thục không bảo đảm chất lượng. Một vấn đề nghịch lý”, bà Hoa nhấn mạnh.
Đoàn giám sát của Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của quốc hội khoá XV sẽ tiếp tục làm việc với UBND huyện Nhà Bè, TP Thủ Đức và UBND TP.HCM vào chiều nay và ngày mai.
Công nhân không mặn mà gửi con ở trường công
Năm học mới sắp đến gần nhưng trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, điều kiện để bé học tại trường rất đơn giản. Bé chỉ cần tạm trú trên địa bàn phường hoặc trong quận.
Đa phần công nhân chọn gửi con ở các nhóm trẻ độc lập, tự thục vì gần nhà. Vị trí của trường hơi bất lợi, đặt ở khu công nghiệp không gần khu dân cư. Mặt khác, các nhóm lớp linh hoạt về thời gian giữ trẻ.
Tại trường cũng tổ chức giữ trẻ ngoài giờ, hiện trường có giữ 7 trẻ. Nhà trường vận động giáo viên hỗ trợ phụ huynh một cách miễn phí
(Bà Nguyễn Thu Hiền, Hiệu trưởng trường Mầm non Tân Tạo)