Theo ông Sự, nguyên nhân là do tính chất, mức độ của các vụ án ngày càng phức tạp nhưng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về thời hạn chuẩn bị xét xử quá ngắn, không còn phù hợp với thực tế. Điển hình như các tranh chấp đòi bảo hiểm xã hội. Người sử dụng lao động thường nợ bảo hiểm xã hội kéo dài, tiền lương của người lao động có nhiều biến động, doanh nghiệp ngừng hoạt động và đa số chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn ra nước ngoài. Cạnh đó còn một số nguyên nhân khác như tài sản tranh chấp ở nhiều nơi, bị đơn không hợp tác với tòa... Các cơ quan có thẩm quyền chậm trả lời xác minh của tòa mặc dù tòa đã có công văn nhắc nhở nhiều lần. Đối với những trường hợp tranh chấp tài sản là nhà đất, khi định giá thường gặp khó khăn và mất nhiều thời gian...
Riêng các vụ án hình sự quá hạn không nhiều (54 vụ). Nguyên nhân thường do các vụ án có nhiều bị cáo, trong đó có các bị cáo đang tạm giam ở một vụ án khác, đang thi hành án ở tỉnh xa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc bị cáo tại ngoại không đến. Có trường hợp luật sư xin hoãn xử vì bận tham gia tố tụng ở vụ khác.
Theo Chánh tòa hình sự TAND Nguyễn Đức Sáu, sắp tới TAND TP sẽ đưa ra xét xử những vụ án trọng điểm như vụ “kỳ án” Đặng Nam Trung, vụ Gò Môn, vụ đài Quán Tre...
Về án bị hủy sửa, trong sáu tháng đầu năm, TAND TP đã chuyển hơn 200 vụ án sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị đến Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM. Tòa đã nhận được kết quả giải quyết hơn 260 vụ (có cả những vụ giải quyết năm 2008), trong đó án bị hủy 37 vụ, án sửa do lỗi của cấp sơ thẩm và do tình tiết mới tổng cộng 67 vụ, đình chỉ 15 vụ và tạm đình chỉ hai vụ.
Nguyên nhân của các bản án bị hủy, sửa chủ yếu là do vi phạm tố tụng như thu thập chứng cứ chưa đầy đủ; triệu tập thiếu người tham gia tố tụng; xác định sai tư cách người tham gia tố tụng; xét xử vắng mặt đương sự không hợp lệ; hội thẩm nhân dân tham gia xét xử hai lần cùng một vụ án... Ngoài ra còn có các lý do như quan điểm đánh giá chứng cứ của các cấp tòa khác nhau, nhất là khi pháp luật chưa quy định về việc đánh giá chứng cứ theo thứ bậc, dẫn đến việc mỗi tòa có một nhận định khác nhau. Một số vướng mắc về nghiệp vụ chưa được hướng dẫn kịp thời của TAND tối cao mặc dù đã có văn bản kiến nghị.
Nhìn chung, án bị hủy, sửa một phần là do thiếu sót chủ quan của thẩm phán, đồng thời cũng có những nguyên nhân khách quan như do áp lực công việc, chạy theo chỉ tiêu.
Một khó khăn khác là biên chế phân bố chưa đủ để đáp ứng với số lượng công việc. Lượng án mỗi thẩm phán phải thụ lý giải quyết hằng tháng trung bình lên tới 10 vụ. Điều này gây áp lực rất lớn cho thẩm phán về giải quyết án và hoàn thành chỉ tiêu thi đua.
THANH LƯU