TP.HCM: 220.000 hộ dân phải dùng nước ngầm bẩn

Khoảng 220.000 hộ dân hiện phải sử dụng nước giếng khoan và khoảng 9.000 cơ sở sản xuất, dịch vụ dùng nguồn nước này là con số được ông Nguyễn Văn Phước - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra tại buổi làm việc với Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP chiều qua (8-9).

Có nước máy vẫn phải dùng nước bẩn

Theo ông Nguyễn Văn Phước, các hộ dân, cơ sở dùng nước giếng khoan tập trung chủ yếu ở các quận, huyện Củ Chi, Hóc Môn, 12, Tân Phú, Bình Chánh, Thủ Đức, Gò Vấp. Tổng lượng nước giếng khoan dùng mỗi ngày là 600.000 m3, trong khi tổng lượng nước sạch cấp qua đường ống của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn là 1,3 triệu m3/ngày. Cũng theo ông Phước, hiện người dân sử dụng chủ yếu là tầng nước ngầm thứ hai (có độ sâu từ ba đến trên 70 mét). Đây là tầng nước có độ pH thấp hơn tiêu chuẩn cho phép và luôn có các hợp chất nitơ, sắt và vi sinh cao hơn các nơi. Đặc biệt, hầu như các giếng khoan không có hệ thống xử lý.

Theo đại biểu HĐND TP, ông Đặng Văn Khoa, con số hộ nêu vẫn chưa đầy đủ. Vì ngay các quận như 6, 7, 8, 9, Tân Bình... hầu như người dân phải dùng nước giếng khoan. Ông Huỳnh Công Hùng-Phó Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách nêu ra một nghịch lý là đường ống cấp nước chính cho TP đi qua các quận 2, 9, Thủ Đức nhưng người dân không có đường ống nhánh để dùng nước sạch mà phải dùng giếng khoan. Ông Võ Quang Châu, Phó Tổng Giám đốc SAWACO, cho biết đến nay có 152/227 xã, phường có đường ống cấp nước sạch kéo tới. Nhiều đại biểu cho rằng tại nhiều nơi, dù người dân “sống bên đường ống” nhưng do áp lực nước cuối nguồn yếu hoặc do các điều kiện khác chưa thể kéo ống vào nhà, lắp đồng hồ nên buộc phải dùng giếng khoan với chất lượng nước xấu.

Quản lý kém

Ông Phước thừa nhận công tác quản lý nước ngầm hiện còn rất yếu kém. Nguyên nhân do thiếu cán bộ môi trường ở cấp phường, xã, thiếu kinh phí... Từ đó dẫn đến hệ lụy nguồn tài nguyên nước chưa được sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả. Ông Võ Quang Châu nêu vấn đề hiện có hàng chục doanh nghiệp, công ty ở các khu công nghiệp có kéo đường ống, lắp đồng hồ cấp nước sạch hẳn hòi nhưng không dùng mà vẫn dùng nước giếng. Nguồn nước ngầm vốn đã ô nhiễm, lại không được xử lý nên sau khi sử dụng, nguồn nước xả thải càng ô nhiễm nặng. Đã vậy, nguồn xả thải này cũng không qua xử lý mà xả thẳng ra sông, kênh, rạch, ngấm trở lại mạch nước ngầm càng làm cho nước ngầm ô nhiễm thêm. Ông Khoa nói thẳng: “Sở Tài nguyên và Môi trường không nên né tránh vấn đề chất lượng nguồn nước ngầm mà cần có sự quản lý, giám sát, báo cáo thường xuyên”.

Theo ông Hùng, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ quản lý được khoảng 50% số cơ sở, hộ dân khai thác, sử dụng nước ngầm là rất đáng quan ngại. Ông Hùng dẫn chứng nhiều cơ sở khai thác nước ngầm không qua xử lý nhưng vẫn cứ đóng chai là nước tinh khiết và bán ra thị trường. Ông Phước xác nhận đến nay Sở vẫn chưa có số liệu điều tra cơ bản về khả năng khai thác nước ngầm, sự xâm nhập mặn theo chiều ngang và thẳng đứng, tác động môi trường do khai thác nước ngầm (lún mặt đất, nước bẩn ngấm vào mạch nước ngầm...).

Không phải có tiền là có nước sạch

Theo ông Phước, để tăng cường quản lý nguồn nước ngầm thì cần phải tăng cường kinh phí để quan trắc, quản lý mức độ khai thác nước, tăng cường lực lượng cán bộ môi trường ở phường, xã, tăng cán bộ thanh tra... Ông Huỳnh Công Hùng nhấn mạnh: “Không phải cứ có tiền là có nước sạch cho dân mà cần có sự thay đổi cách quản lý bằng các trang thiết bị khoa học để đo đếm được lượng nước khai thác. Từ đó, ngành mới hoạch định được kế hoạch vùng nào cho phép khai thác bao lâu, vùng nào không để tránh cạn kiệt nguồn nước ngầm”. Mặt khác, theo ông Hùng, hiện ngành khó mà tăng thêm cán bộ môi trường cho phường, xã hoặc Sở vì thiếu ngân sách và định biên. Điều Sở cần quan tâm đặc biệt là sớm có đánh giá về mực nước ngầm sẽ suy giảm trong thời gian tới, mức độ nhiễm mặn và nhiễm bẩn của tầng nước mặt và nước cạn (sâu từ hai đến dưới 40 mét). “Nếu không có các đánh giá trên và đưa ra khuyến cáo phù hợp thì người dân sẽ tiếp tục phải dùng nước ngầm bẩn dài dài!” - ông Hùng nói.

Chỉ còn tận dụng nước ngầm được 27 năm

Theo tính toán, tổng trữ lượng nước ngầm dưới đất ở khu vực TP.HCM là 2,5 triệu m3/ngày. Mức độ khai thác an toàn là 832.000 m3/ngày. Khả năng có thể khai thác thêm là trên 500.000 m3/ngày. Đặc biệt, chỉ khai thác trong vòng 27 năm nữa là phải dừng để hồi phục tầng chứa nước.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm