TP.HCM báo cáo Thủ tướng về Sở An toàn thực phẩm

(PLO)- Kết quả của việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ là cơ sở để Trung ương xem xét, triển khai mô hình tổ chức bộ máy cho phù hợp với thực tế các tỉnh, thành khác.

UBND TP.HCM vừa có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về việc thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Lê Thành Long tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Theo kết luận của Phó Thủ tướng, trên cơ sở vận hành mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm, TP.HCM có đánh giá, đề xuất về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-12.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, giám đốc Sở An toàn thực phẩm vào ngày công bố thành lập Sở (ngày 30-12-2023). Ảnh: NGUYỆT NHI

Sở An toàn thực phẩm là 'tất yếu'

Theo báo cáo, UBND TP.HCM cho rằng sau hơn 6 năm thí điểm mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm, việc thành lập Sở An toàn thực phẩm là việc mang tính tất yếu trong giai đoạn hiện nay.

Việc thành lập một cơ quan chuyên môn về an toàn thực phẩm (Sở) thuộc UBND TP sẽ phát huy tối đa các hiệu quả mà mô hình thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã đạt được, khắc phục những hạn chế về mặt pháp lý của mô hình Ban Quản lý.

Theo UBND TP.HCM, mô hình Sở An toàn thực phẩm sẽ là một cơ quan chuyên môn thường trực của Ban chỉ đạo liên ngành TP về an toàn thực phẩm, là đầu mối thống nhất tổng hợp tham mưu và chịu trách nhiệm trước UBND TP về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Việc thành lập một cơ quan cấp sở tập trung cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cũng nói lên tầm quan trọng, nâng cao vai trò, vị thế của công tác đảm bảo an toàn thực phẩm với người dân TP, nhất là liên kết, phối hợp với các tỉnh, hợp tác quốc tế

Đây cũng là nơi tập trung đầu mối thanh tra, kiểm tra thuận lợi cho người dân khi chỉ có một cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cấp TP tiến hành thanh tra, kiểm tra cơ sở với tần suất theo quy định, tránh chồng chéo và tình trạng mỗi năm một cơ sở, doanh nghiệp phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của quá nhiều cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Trong cải cách hành chính, mô hình này cũng tạo sự tín nhiệm và thuận lợi cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm; đơn giản hóa, hợp lý hóa thủ tục hành chính từ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp phép, quản lý, hậu kiểm, thanh tra… làm tăng tỉ lệ hài lòng của người dân đối với cung cấp dịch vụ hành chính công về an toàn thực phẩm.

Đồng thời, trao quyền chính thống cho Đội Quản lý An toàn thực phẩm liên quận - huyện và chợ đầu mối. Từ đó tác động tích cực đến hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thông qua việc xây dựng các Đội Quản lý An toàn thực phẩm đa chức năng. Đội này vừa thực hiện thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật xuất tỉnh, vừa tham gia giám sát, truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ quận, huyện ứng phó kịp thời với các tình huống nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn quản lý…

Vì lợi ích của người dân

Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 có quy định “trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính trị”.

UBND TP.HCM nhận thấy việc đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm cần có ý kiến của Bộ Chính trị. Đồng thời, khi thực hiện mô hình Sở An toàn thực phẩm sẽ vướng rất nhiều quy định của Luật An toàn thực phẩm, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thú y do không có quy định cho cơ quan thuộc ngành an toàn thực phẩm.

Vì vậy, UBND TP.HCM nhận thấy mô hình này cần được đưa vào nghị quyết của Quốc hội để có cơ sở triển khai thực hiện, cũng như việc bổ sung các luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Ngoài ra, quy định này nếu được thông qua sẽ tiết kiệm về thời gian, chi phí do không phải gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thành lập.

Trên cơ sở đánh giá quá trình vận hành mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, UBND TP.HCM đã thực hiện đề xuất đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cơ chế cho phép TP thành lập Sở An toàn thực phẩm.

Qua đó, tạo điều kiện cho UBND TP.HCM đảm bảo cơ sở để xây dựng các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở An toàn thực phẩm TP không được quy định trong Luật An toàn thực phẩm, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thú y.

Tạo điều kiện thuận lợi, đặc thù để triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở An toàn thực phẩm thuộc UBND TP.HCM khi chưa được quy định trong Luật An toàn thực phẩm, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thú y.

Ngày 24-6-2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-8-2023.

Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM tiến hành thực hiện ba quy trình song song để thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Gồm: ban hành Nghị quyết thành lập Sở An toàn thực phẩm, ban hành Quyết định chấm dứt thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm và ban hành Nghị quyết quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM.

Ngày 8-12-2023, HĐND TP.HCM đã ban hành Nghị quyết 24 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, có hiệu lực từ ngày 1-1-2024.

“Có thể nói, UBND TP.HCM đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm như một nỗ lực tháo gỡ, tìm giải pháp của TP trước yêu cầu cấp thiết bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân trên địa bàn. Hoạt động hiệu quả của mô hình mới - Sở An toàn thực phẩm chính là vì lợi ích của người dân, để cộng đồng được an tâm và an toàn sử dụng thực phẩm” – báo cáo nêu rõ.

UBND TP.HCM khẳng định kết quả đạt được của việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ trở thành cơ sở để Trung ương xem xét, triển khai mô hình tổ chức bộ máy cho phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của từng địa phương, tỉnh thành khác trên cả nước.

Trước đó, tại hội nghị lần thứ 34 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, chiều 4-12, Thành ủy TP.HCM đã triển khai việc tổng kết Nghị quyết 18/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại TP.HCM.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, đã thông tin về định hướng bước đầu của sắp xếp tổ chức bộ máy tại TP.

Theo đó, ở khối chính quyền, TP.HCM nghiên cứu sáp nhập các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP trên nguyên tắc Trung ương có Bộ nào thì TP có Sở tương ứng. Trên tinh thần đó, TP.HCM nghiên cứu kết thúc hoạt động của Sở An toàn thực phẩm, chuyển nhiệm vụ về Sở Y tế, Sở NN&PTNN, Sở Công Thương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới