TP.HCM: Cán bộ đến tận nhà lo sổ đỏ, hộ khẩu...

Cuối năm 2015, phường Trường Thọ (quận Thủ Đức) thí điểm việc nhận và giải quyết hồ sơ liên quan nhà đất, cư trú - loại hồ sơ nổi tiếng là rối rắm. Với những trường hợp người dân đang gặp khó, phường sẽ cử cán bộ tổ địa chính đích thân xuống tận nhà dân thu thập hồ sơ, hướng dẫn thủ tục cho người dân chuẩn bị, hướng dẫn kê khai, xong xuôi sẽ mang bộ hồ sơ về giải quyết. Khi nào giải quyết xong còn mang đến tận nhà cho dân. Hình ảnh của cán bộ phường đội nắng đi tới đi lui nhiều lần để hoàn thành công việc đang tạo ra những hiệu ứng tích cực.

Ở nhà, phường sẽ đến làm sổ đỏ, hộ khẩu

Cầm trên tay sổ hộ khẩu mới vừa được phường hỗ trợ thủ tục để cấp lại, ông Trừ Văn Tư (ngụ khu phố 3, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) mừng rỡ nói: “Có cán bộ đến tận nhà làm giúp tận tình thế này dân sướng quá, chẳng cần phải chạy lên chạy xuống phường nữa!”.

Ông Tư kể cách đây mấy mươi năm, nhà bị mưa ngập sâu, toàn bộ giấy tờ tùy thân và sổ hộ khẩu coi như mất trắng mà mãi chẳng có thời gian để đi làm lại, do lúc đó gia đình còn khó khăn quá, ai cũng bận mưu sinh nên coi như bỏ đi. Bây giờ già rồi muốn làm lại thì sức khỏe lại yếu, đi lại khó khăn. Khổ nỗi: “Lâu lâu cần làm cái này, cái kia mà đụng tới hộ khẩu không có, chứng minh nhân dân cũng không, vất vả lắm. May sao mới đây phường Trường Thọ có chính sách mới, cử cán bộ phường xuống hỗ trợ tôi làm lại sổ hộ khẩu, bây giờ thì có sổ hộ khẩu mới rồi” - ông Tư vui vẻ nói.

Sổ hộ khẩu mới của ông Tư còn được đích thân chủ tịch UBND phường Trường Thọ trao. Ông cũng cho biết sau khi làm xong sổ hộ khẩu, phường đang hỗ trợ ông làm lại cả giấy khai sinh, thẻ căn cước và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà chẳng phải đi lại bước nào vì cán bộ phường tới tận nhà làm hồ sơ cho.

Cũng là trường hợp liên quan đến hồ sơ nhà đất, gia đình bà Nguyễn Thị Ký cũng được cán bộ phường Trường Thọ đến tận nhà hỗ trợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Ánh Tuyết (con gái của bà Ký) chia sẻ: “Căn nhà này mua đã từ năm 1993 nhưng chỉ là sang nhượng bằng giấy tay chứ chẳng có giấy tờ gì hợp lệ cả. Mẹ tôi cũng đau ốm nhiều năm, còn chúng tôi thì công việc bận rộn, cũng có lần lên phường làm nhưng ngại đi tới đi lui, gia đình tính kệ luôn nên đến nay vẫn chưa có giấy chứng nhận. May mà có sự giúp đỡ của phường”.

Cô Tuyết cho biết khoảng đầu năm 2016, gia đình cô được khu phố giới thiệu lên phường trường hợp đang muốn làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó phường cử cán bộ địa chính xuống nhà lấy các giấy tờ liên quan, lần sau lại đến đo vẽ, lần kế tới lại đến bổ sung hồ sơ. Hiện tại hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình cô đang được hoàn thành và đang chờ kết quả.

Cô Tuyết bày tỏ: “Thấy cán bộ phường đi lại nhiều lần cũng cực lắm. Nhưng đây là việc làm thiết thực, hỗ trợ rất nhiều cho người dân, đặc biệt là người già hay những người không có thời gian đến phường thường xuyên. Bà con chúng tôi rất hài lòng”.

Chị Cao Thị Lê, cán bộ bộ phận LĐ-TB&XH phường Bình An (bìa phải) chuyển tiền bảo trợ xã hội cho vợ chồng ông Lương Văn Ân và bà Trần Thị Hiền (phường Bình An, quận 2) hằng tháng.  Ảnh:  LÊ THOA

Ông Trừ Văn Tư, ngụ khu phố 3, phường Trường Thọ (bìa phải)  hớn hở khoe cuốn sổ hộ khẩu mới được cấp. Ảnh: LÊ THOA

Mang tiền trợ cấp đến tận nhà cho người già, khuyết tật

Nhiều năm nay, cụ Nguyễn Thị Gái (90 tuổi, ngụ cư xá điện lực, phường Bình An, quận 2) cùng cô con gái hơn 50 tuổi bị bệnh tâm thần yên tâm ở nhà nhận tiền trợ cấp xã hội do cán bộ phường Bình An đưa đến. Mọi thủ tục liên quan việc nhận trợ cấp xã hội đối với đối tượng người già trên 80 tuổi chưa được hưởng chính sách nào và người khuyết tật của gia đình cụ Gái đều được phường Bình An cử cán bộ đến trực tiếp làm. Sau đó hằng tháng cán bộ phường đều xuống tận nhà cụ để trao tiền.

Cô Phạm Ngọc Mai (con của cụ Gái) cho biết: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi cán bộ phường xuống hỏi thăm rồi làm giúp hồ sơ hưởng tiền trợ cấp xã hội cho mẹ và em gái tôi. Từ đó đến nay hằng tháng chúng tôi nhận được gần 1 triệu đồng tiền trợ cấp để trang trải cuộc sống mà lại được phường giao tận nhà nữa”.

Còn ông Lương Văn Ân (phường Bình An, quận 2), đã từ lâu không phải ngồi trên xe lăn đến phường để tự nhận tiền trợ cấp xã hội cho người khuyết tật nữa. Ông kể: “Mấy năm trước còn có sức khỏe, tôi đi xe lăn lên phường nhận tiền trợ cấp nhưng gần đây sức khỏe yếu do bệnh tật nên ủy quyền cho vợ tôi đi nhận thay mà bà ấy giờ cũng yếu rồi, còn con cái bây giờ đứa nào cũng bận làm ăn cả, ít khi tranh thủ được lắm”.

Bà Trần Thị Hiền - vợ ông Ân chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng lên phường để nhận nhưng về sau mấy cô trên đó thấy tôi già cả, đi lại khó khăn nên từ đó cứ tới ngày là trên phường lại cho người mang tiền trợ cấp xuống cho chúng tôi, giảm bớt một phần công sức cho người nghèo, người khuyết tật nên người dân chúng tôi rất biết ơn và hoan nghênh việc làm có nghĩa, có tình này”.

Phục vụ dân, cán bộ phải nhận phần khó về mình

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND phường Trường Thọ Cù Thoại Vy cho biết với chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay giấy phép xây dựng cùng nhiều thủ tục nhà đất khác giúp cho người dân tránh đi lại nhiều lần. Điều này sẽ dần dần xóa bỏ dư luận “hành chính là hành dân”. “Một chính quyền phục vụ dân là cán bộ phải đi lại nhiều để hoàn thành công việc dân giao. Thậm chí cán bộ phường phải nhiều lần đến thuyết phục dân và chờ đợi để lấy cho đủ hồ sơ. Hoặc như trong quá trình kê khai tại nhà mà dân không biết về nguồn gốc đất, cán bộ phải quay về phường tra cứu giúp người dân khai đầy đủ...” - bà Vy nói.

Dân tin dân sẽ gần hơn với chính quyền

Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là đem lại những gì có lợi nhất cho bà con thì sau này bà con sẽ tin tưởng, ủng hộ mình. Thật vậy, trong thời gian gần đây, số lượng người dân đến họp tổ dân phố ngày một đông hơn, đóng góp nhiều hơn. Có lẽ bà con thấy được sự quan tâm của chính quyền đến họ nên đến để nghe các vấn đề mà chính quyền triển khai và trông chờ vào những chủ trương, chính sách mới làm lợi cho dân. Bên cạnh đó, các vấn đề vận động khác ở phường như vận động đóng góp kinh phí nâng cấp mặt đường, quỹ vận động trong dân như quỹ vì người nghèo, quỹ vì Trường Sa thân yêu, quỹ quốc phòng an ninh... đều được nhân dân ủng hộ. Qua đó có thể thấy mối quan hệ của chính quyền và nhân dân ngày một gần gũi hơn rất nhiều. Mà chính quyền gần với dân thì sẽ thuận tiện trong công tác nắm bắt địa bàn, quản lý địa bàn và phát triển địa phương đi lên.

TRẦN THỊ HỒNG,
Phó Bí thư Đảng ủy phường Bình An, quận 2

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm