Ngày 7-8, Thành ủy TP.HCM tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành trung ương góp ý dự thảo báo cáo chính trị Đại hội X Đảng bộ TP.HCM.
Cơ chế hiện nay chưa giải phóng hết nguồn lực TP
Góp ý cho báo cáo chính trị của TP.HCM, ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng khi một cái áo mặc chung cho 63 tỉnh, thành trên cả nước thì ông hiểu rằng có cái gì đó không hợp với TP.HCM vì TP này có những điều rất đặc biệt. Theo ông Ngọc, hiện nay có những rào cản và có những hạn chế nhất định cho sự phát triển của TP.HCM.
Để tháo gỡ điều này, ông Ngọc đưa ra hai vấn đề trong báo cáo chính trị cần phải có. Đó là đánh giá thật kỹ mối quan hệ của TP.HCM với trung ương để thấy rõ là TP.HCM cần có một cơ chế đặc thù, khác so với bối cảnh hiện nay. “Cơ chế hiện nay chưa đủ để giải phóng được những nguồn lực, năng lực của TP trong quá trình phát triển. Nếu đề xuất giải pháp gì đó, chẳng hạn như TP.HCM có cần luật riêng như Hà Nội có Luật Thủ đô hay không. Đánh giá một cách thấu đáo, chắc đó là một hướng khả thi thay vì chúng ta lại xé rào rồi bị tuýt còi. Có luật riêng để TP.HCM phát triển năng động, sáng tạo trong bối cảnh mới” - ông Ngọc nói.
Nhiều đại diện của các bộ, ngành trung ương cũng đồng tình với quan điểm TP.HCM cần phải có luật đặc thù để phát triển hết khả năng của mình, tạo sức lan tỏa cho vùng kinh tế phía Nam và cả nước.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng thực tiễn hiện nay đặt ra nhiều vấn đề bức xúc và bất cập, nếu TP.HCM không đi tiên phong thì không thể giải quyết được những bức xúc đó.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đang trao đổi với các đại biểu dự hội nghị sáng 7-8. Ảnh: TÁ LÂM
Cái gì vướng cũng phải đi xin, chờ đợi thì khó lắm
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là đánh giá 30 năm đổi mới gắn liền với những quyết định “vượt rào”, “xé rào” để đưa TP bứt phá đi lên trước những đòi hỏi của cuộc sống. “Vấn đề đặt ra là khi đụng tới chân tường thì chúng ta mới xé rào bứt phá, hay trong mọi hoàn cảnh đều có thể bứt phá, bứt phá ngay khi thực tiễn chưa đòi hỏi đến mức cấp bách? Mong các bộ, ngành trung ương góp ý cho TP những giải pháp để bứt phá phù hợp với truyền thống cũng như tính năng động, sáng tạo của người dân TP cũng như của TP từ trước đến nay” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng đặt vấn đề.
Trước băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng rất đáng khuyến khích TP.HCM xé rào để bứt phá phát triển. Từ quan điểm cá nhân, Bộ trưởng Quân cho rằng lẽ ra chúng ta phải khẳng định rằng việc xé rào ấy là tốt, chúng ta phải sửa hệ thống luật pháp để sự xé rào ấy trở thành hợp pháp. “Chúng ta chỉ nên quy định những nguyên tắc không thể vượt qua, còn khi nằm trong nguyên tắc ấy rồi tính tự chủ của địa phương phải được thực hiện một cách triệt để, có như thế mới làm tốt công việc được. Bây giờ cái gì vướng cũng đi xin, chờ đợi thì mất thời cơ và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển. Cá nhân tôi ủng hộ TP.HCM thử nghiệm xé rào, nếu đó là tốt thì các cơ quan nên sửa cơ chế chính sách hoặc hệ thống luật pháp chứ không nên căn cứ vào những quy định cũ để không cho TP.HCM xé rào” - ông Quân nói.
Bộ trưởng Quân cũng lấy một minh chứng từ chế độ ưu đãi các nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao ở TP.HCM, đó là việc trả lương mỗi tháng 150 triệu đồng cho các nhà khoa học. “Chúng tôi thường lấy TP.HCM làm ví dụ khi làm việc với các cơ quan khác liên quan đến xây dựng cơ chế chính sách. Chúng tôi coi đó là ví dụ điển hình khi xây dựng chính sách thu hút nhân tài vào làm việc trong các khu công nghệ cao. Nếu trong báo cáo chính trị có phần kiến nghị Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho TP được tự chủ trong khuôn khổ nhất định, tôi cho là rất tốt. Phải có xé rào nếu không chúng ta không phát huy được sự năng động. Và thực tiễn đã chứng minh đó là giải pháp tốt” - ông Quân nói.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, mong muốn TP.HCM luôn luôn chủ động, nhạy bén đề ra những chính sách bứt phá. “Nói phá rào thì không đúng nhưng giải quyết những bức xúc của thực tiễn cần phải có những sáng tạo, phải có một cơ chế gì đó để cho TP có thể phát triển được” - ông Đàm nói.
Đánh giá cao sự đóng góp ý kiến của các bộ, ngành trung ương, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cho biết sẽ tiếp thu sâu sắc tối đa các ý kiến để đưa vào trong báo cáo chính trị Đại hội X Đảng bộ TP.HCM.
Nhìn từ Singapore để bứt phá Đánh giá vai trò đầu tàu của TP.HCM với vùng kinh tế phía Nam và cả nước, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông kỳ vọng TP.HCM phải đạt ở mức độ tăng trưởng cao hơn nữa so với nhịp độ tăng trưởng trung bình cả nước. “Nếu đất nước này muốn bứt phá, muốn phát triển thì TP.HCM phải bước một bước dài hơn. Tôi kỳ vọng TP phải gấp 1,5 lần so với tốc độ phát triển trung bình cả nước” - ông Đông nói. Để đạt được kỳ vọng đó, Thứ trưởng Đông cho rằng TP.HCM cần phải xây dựng nền kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh. Ông lấy ví dụ từ đất nước Singapore 30 năm qua, khi đất nước này phát triển ở giai đoạn thâm dụng lao động thì kịch điểm cũng chỉ đạt 5.000 USD. Bước qua giai đoạn công nghiệp hóa, họ mất cả chục năm trời cũng chỉ đạt 10.000 USD. Chỉ khi Singapore quan tâm đến đổi mới sáng tạo và kinh tế tri thức trong 15 năm gần đây thì họ mới bứt phá từ 10.000 USD lên 40.000-50.000 USD. “TP.HCM dư sức có tầm nhìn như vậy. Trong dự thảo văn kiện, tôi rất mừng TP đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng xanh và xây dựng nền kinh tế tri thức. Chủ trương các đồng chí đặt ra rất đúng đắn nhưng làm thế nào để phát triển được kinh tế tri thức đây, đó là điều chúng ta phải bàn” - ông Đông nói. |