Sự kiện này đã thu hút nhiều bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM. Bên cạnh đó, không ít bạn đọc đặt câu hỏi: “Vì sao phải thành lập Ban Quản lý ATTP TP.HCM?”.
Phóng viên chuyển câu hỏi đến ThS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP.HCM).
Bà Mai cho biết trước đây TP.HCM có Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP (gồm ba sở Y tế, Công thương, NN&PTNT). Hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành trong những năm qua khá tốt nhưng hiệu quả chưa cao.
Thịt heo bệnh bị cơ quan thú y TP.HCM phát hiện. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Ban Chỉ đạo liên ngành chỉ họp định kỳ nên không thể giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan ATTP phát sinh giữa các kỳ họp. Do vậy, Ban Chỉ đạo chưa phát huy hiệu quả cao nhất trong công tác quản lý ATTP” – bà Mai nói.
Theo bà Mai, Sở Y tế TP.HCM chịu trách nhiệm trước UBND TP trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Tuy nhiên, thực chất Sở Y tế chỉ nhận và tổng hợp những báo cáo từ các sở liên quan (Công thương, NN&PTNT), còn từng công việc cụ thể do các sở giải quyết, xử lý theo phân công của Luật ATTP.
Một cơ sở sản xuất bò viên từ thịt thối bị cơ quan chức năng TP.HCM phát hiện. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Do cần một đầu mối đủ thẩm quyền quản lý xuyên suốt công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn nên TP.HCM mạnh dạn đề xuất Chính phủ cho phép thành lập Ban Quản lý ATTP và đã được đồng ý” – bà Mai cho biết.
Bà Mai thông tin thêm Ban Quản lý ATTP TP.HCM trực thuộc UBND TP. Ban có chức năng giúp UBND TP.HCM tổ chức, thực thi pháp luật về ATTP trên địa bàn. Đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT.
“Dự kiến Ban Quản lý ATTP TP.HCM sẽ chính thức hoạt động trong quý 1 năm 2017” – bà Mai nói.