TP.HCM cần huy động 210.000 tỉ đồng để làm nhiều dự án đến 2030

(PLO)- Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định phê duyệt đề án huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024 – 2030.

Kế hoạch trong giai đoạn 2024-2030, TP.HCM cần nguồn vốn “khủng” từ việc huy động nguồn lực xã hội để triển khai hàng loạt dự án phát triển hạ tầng, giao thông, văn hóa xã hội, y tế, giáo dục...

Cần hơn 70.000 tỉ cho các dự án giao thông

Theo đề án, TP cần gần 70.000 tỉ đồng cho 17 dự án giao thông, 41 dự án văn hóa thể thao gần 26.000 tỉ đồng, lĩnh vực y tế cần gần 42.600 tỉ đồng cho 48 dự án, giáo dục cần 24.800 tỉ đồng cho dự án làm gần 2.640 phòng học, nông nghiệp cần 5 dự án hơn 3.380 tỉ đồng, xây dựng cần gần 41.130 tỉ đồng.

Các dự án giao thông cần huy động vốn lớn như: Hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng theo quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là tuyến vành đai 3, vành đai 4, các đường cao tốc, đường sắt đô thị, đường sắt kết nối vùng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất...

Bên cạnh đó, TP cũng đặt mục tiêu huy động kiều hối hàng năm đạt 6-8 tỷ USD; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% trở lên; đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân từ 1,0%/GRDP trở lên; kêu gọi xã hội hóa tham gia các dự án đầu tư bình quân đạt 3-5 dự án/năm.

Dự án vành đai 3 đoạn qua địa bàn TP.HCM có tổng mức đầu tư khoảng 22.412 tỉ đồng, việc huy động nguồn lực xã hội cho các dự án cần vốn lớn như vành đai 3 là rất cần thiết. Ảnh: A.T

“Việc xây dựng đề án “Huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024 - 2030” là rất cần thiết nhằm đề ra định hướng, giải pháp quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng và phát huy có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng trong giai đoạn 2024-2030” – đề án nêu rõ.

Theo đó, TP.HCM muốn huy động nguồn lực xã hội từ vốn đầu tư từ khu vực ngoài Nhà Nước như nguồn lực từ doanh nghiệp, nguồn lực trong dân, nguồn lực xã hội hóa đầu tư, thu hút và vận động ODA, vốn vay ưu đãi,…

Giải bài toán cũ, mở ra lối đi mới

Trao đổi với PV PLO, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM cho rằng trở ngại lớn nhất từ xưa đến nay khiến cho TP.HCM không huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách là do chủ trương và chính sách không nhất quán, kể cả chính sách thuế, dẫn đến nhiều doanh nghiệp e ngại khi đầu tư.

“Mặc dù TP.HCM đã có Nghị Quyết 98 nhưng vẫn đang vướng về vấn đề giao quyền, nhiều thủ tục vẫn phải xin bộ ngành theo trình tự, nên việc kêu gọi nguồn vốn ngoài ngân sách là khá khó khăn” – ông Thuận nhận định.

Ông Thuận dẫn chứng thêm, chẳng hạn Nghị Quyết 98 cho TP thực hiện mô hình đầu tư BOT trên đường hiện hữu, nhưng phương án tài chính phải thông qua Bộ Tài chính, thẩm duyệt hồ sơ thiết kế phải thông qua Bộ xây dựng,…chưa tính các thủ tục liên quan đến các chuyên ngành khác, dẫn đến quy trình xin các thủ tục rắc rối, mất nhiều thời gian.

“TP.HCM với cơ chế đặc thù của Nghị Quyết 98 cần phải được Chính phủ giao quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm trong thực hiện các dự án BOT trên địa bàn TP. Chủ trương kêu gọi đầu tư vốn ngoài ngân sách ngay ban đầu phải nhất quán và các hình thức tổng thầu EPC cần được khuyến khích triển khai trên các dự án trọng điểm”

-TS Phạm Viết Thuận-

TS Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý, ĐH Kinh tế TP.HCM nhận định hiện nay TP.HCM đã có Nghị Quyết 98 nên có các hình thức đầu tư BT, PPP, BOT,… chính những chính sách này về mặt nguyên tắc đã là một hành lang phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Ông Nghĩa nhận định, các chủ đầu tư quan tâm đến 2 vấn đề cụ thể. Thứ nhất là vấn đề quản trị, thủ tục hành chính, chung quy lại là các vấn đề liên quan đến hợp tác, đây là một trong những khó khăn thường gặp đối với các dự án hiện nay, đặt ra bài toán TP phải giải quyết thật mạnh tay để gỡ nút thắt này.

Trong giai đoạn 2024-2030, TP.HCM cần gần 70.000 tỉ để làm 17 dự án giao thông.

Thứ hai là hiện nay những dự án đầu tư công, đầu tư hạ tầng ngoài vướng vốn, thủ tục hành chính thì vấn đề giải tỏa mặt bằng, thu hồi đất cũng nan giải. Với hành lang pháp lý mới như hiện nay thì TP phải triển khai nhanh, hiệu quả thì mới thu hút được doanh nghiệp, các nguồn vốn xã hội mới huy động thành công.

Thực tế, TP có nhiều vướng mắc đối với các dự án đầu tư công với quy mô lớn như vành đai 3, metro số 1, bài học từ các dự án này rút ra vẫn xoay quanh những việc cũ, nếu không giải được bài toán cũ thì sẽ khó thu hút đầu tư cho các dự án mới, ông Nghĩa nói.

“TP cần có nền tảng hạ tầng đô thị phải thật sự đủ mạnh để tạo ra sự đột phá mới, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, nhưng trong bối cảnh hiện nay quay đi quay lại vẫn là các vấn đề cũ liên quan đến vấn đề về thủ tục hành chính đầu tư, hợp tác, hay liên quan đến cơ chế chính sách, quản lý Nhà nước” – ông Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề được đặt ra trong quá trình triển khai Nghị Quyết 98 hiệu quả là vấn đề chọn đối tác, việc chọn đối tác liên quan đến cách thức đánh giá, cam kết, chọn đúng đối tác sẽ đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là những dự án đòi hỏi trình độ công nghệ, nguồn lực, vốn, kinh nghiệm đối tác,… ông Nghĩa phân tích.

Ông Nghĩa cho rằng có 3 cốt lõi của việc huy động nguồn lực xã hội thành công, thứ nhất là thủ tục hành chính, đầu tư, năng lực quản lý Nhà nước, giải quyết các vấn đề về tài chính.

Hai là năng lực gỡ vướng trong quá trình triển khai hạ tầng mà chúng ta đã gặp trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công, đơn cử như liên quan đến giải phóng mặt bằng, điều chỉnh vốn, phối hợp giữa các Bộ ban ngành…

Ba là TP phải chủ động vận dụng Nghị Quyết 98 trong chọn chủ đầu tư, đối tác, liên quan đến cách thức huy động vốn, phải vận dụng sáng tạo và quyết liệt thì mới giải được các vấn đề cũ bài toán cũ, mở ra cơ hội mới đạt được các mục tiêu mà TP đề ra.

“Vấn đề quan trọng nhất vẫn là các giải pháp liên quan đến hợp tác, TP đưa ra dự án nhưng cách thức triển khai và vai trò của TP đối với đối tác ra sao, phía TP khi phát triển dự án có vận dụng tối đa quyền quyết định, chủ động của mình chưa,….Trong bối cảnh TP đã có cơ chế tự chủ, việc lựa chọn đúng đối tác, cam kết của các bên sẽ là mấu chốt của sự thành công” – ông Nghĩa góp ý.

Vốn đầu tư xã hội có vai trò và ý nghĩa quan trọng

Đề án nêu rằng, theo báo cáo của Cục Thống kê, cơ cấu nguồn vốn đầu tư xã hội năm 2022 (đạt hơn 333.600 tỷ đồng).

Trong tất cả nguồn vốn thực hiện thì vốn khu vực ngoài nhà nước cao nhất (chiếm 69,1%). Trong đó, tổ chức doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất đạt 56,5% tổng vốn đầu tư thực hiện; vốn của dân cư chiếm tỷ lệ 14%; vốn ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ 13,6%; vốn khu vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài chiếm tỷ lệ 9,9%; vốn vay chiếm tỷ lệ 0,015%.

Trong khi tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 đạt 480.289 tỷ đồng, năm 2023 đạt 448.826 tỷ đồng. Do đó nguồn vốn đầu tư xã hội có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng TP trong những năm qua.

Ngoài lĩnh vực giao thông vận tải, TP cũng muốn huy động nguồn lực xã hội vào các lĩnh vực xây dựng như dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải khu vực Tây TP; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát giai đoạn 2 (lưu vực Tham Lương - Bến Cát); dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Nam kênh Đôi trên địa bàn quận 8…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới