TP.HCM: Chậm trả lời khi phối hợp giải quyết công việc sẽ bị xem xét, xử lý

(PLO)- Sở Nội vụ TP.HCM đề xuất nếu quá thời hạn mà các cơ quan phối hợp không trả lời thì cơ quan chủ trì sẽ tổng hợp gửi Chủ tịch UBND TP xem xét, đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ quý, năm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 30-10, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cuối năm 2023.

CHU-TICH-PHAN-VAN-MAI-HOP-KT-XH-TPHCM-THANG-10.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTBC

Góp ý cho chủ đề năm 2024 của TP

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết hôm nay, UBND TP.HCM sẽ xin ý kiến từ các đơn vị góp ý cho chủ đề năm 2024.

Theo ông Mãi, chủ đề năm 2024 không nên ôm đồm quá nhiều mà cần tập trung ở khâu tổ chức thực hiện, cụ thể là việc thực hiện Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.

Cạnh đó, năm 2024 cũng là năm nước rút của TP.HCM chuẩn bị về đích cuối nhiệm kỳ. Vì vậy, TP.HCM cần tập trung cao độ, triển khai một đợt thi đua cao điểm 60 ngày đêm để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 với kết quả cao nhất.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng cho biết, phiên họp lần này sẽ có nội dung liên quan đến sơ kết Quyết định 2536/2022 của UBND TP về công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn.

Ông nói đây cũng là điểm nghẽn của TP trong thời gian qua, cần sơ kết kịp thời để xác định giải pháp cho thời gian tới.

Ông Phan Văn Mãi thông tin Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đã cho ý kiến về quy chế làm việc. Trong đó, TP cần quyết tâm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền từ UBND TP, Thường trực UBND TP đến các thành viên UBND, các sở, ngành và cấp quận, huyện, TP Thủ Đức.

Chính quyền TP cũng sẽ xây dựng các quy trình điện tử và cần được áp dụng mạnh mẽ hơn trong giải quyết công việc. Đây là cơ sở để giám sát quá trình giải quyết thủ tục, là cơ sở xử lý trách nhiệm hành chính của các cơ quan.

giam-doc-so-noi-vu-huynh-thanh-nhan.jpg
Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân báo cáo tại phiên họp. Ảnh: TTBC

Thời gian đề nghị có ý kiến... quá ngắn

Cũng tại phiên họp, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân đã báo cáo sơ kết việc thực Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành thuộc UBND TP.HCM, UBND TP Thủ Đức, quận, huyện trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo Quyết định 2536/2022.

Theo ông Nhân, vừa qua công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị đã được quan tâm, chủ động hơn; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì và cơ quan phối hợp được quy định rõ ràng, thời gian thực hiện quy định cụ thể.

Tuy nhiên, một số văn bản đề nghị có ý kiến với thời gian quá ngắn (1-2 ngày) nhưng thực tế nội dung cần nhiều thời gian nghiên cứu các quy định liên quan để có thể góp ý và nêu chính kiến cụ thể mới đảm bảo chất lượng tham mưu và đầy đủ cơ sở pháp lý. Chính điều này đã dẫn đến công tác phối hợp còn chậm trễ.

Một số trường hợp công văn đề nghị góp ý lại được gửi dàn trải đến tất cả các cơ quan, đơn vị, trong đó có cả những cơ quan, đơn vị không liên quan hoặc không đúng chức năng nhiệm vụ, một số trường hợp có nội dung đề nghị chưa cụ thể

Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân đề xuất thời gian tới các cơ quan, đơn vị chủ trì khi có yêu cầu phối hợp thì cần rà soát kỹ nội dung, tập trung vào đúng trọng tâm lĩnh vực đảm bảo theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị phối hợp.

Đồng thời, cân nhắc thời hạn thực hiện để các cơ quan, đơn vị đủ thời gian nghiên cứu, thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng tham mưu (trừ trường hợp thực hiện gấp theo quy chỉ đạo của cơ quan cấp trên).

Trong đó, đối với những nội dung khẩn theo chỉ đạo của cấp trên thì phải đảm bảo thời gian theo chỉ đạo. Những nội dung, quy trình thủ tục hành chính có quy định thời gian thì phải đảm bảo thời gian theo quy định.

Còn những nội dung khác, cơ quan chủ trì phải dự trù thời gian tối thiểu trên ba ngày để cơ quan phối hợp nghiên cứu, rà soát, phúc đáp theo yêu cầu. Cơ quan phối hợp trong vòng bảy ngày phải có văn bản phúc đáp cho cơ quan chủ trì.

Sở Nội vụ cũng đề xuất cơ quan nhận được đề nghị phối hợp cần chú trọng đầu tư cho việc góp ý, đảm bảo nội dung trả lời, góp ý theo đúng yêu cầu của cơ quan chủ trì để công tác tổng hợp, tham mưu đạt hiệu quả.

“Nếu quá thời hạn, cơ quan chủ trì tổng hợp báo cáo những cơ quan phối hợp không thực hiện hoặc không có văn bản phản hồi, gửi Chủ tịch UBND TP (thông qua Sở Nội vụ) để xem xét, đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ quý, năm” - ông Huỳnh Thanh Nhân nhấn mạnh và cho biết thủ trưởng cơ quan, đơn vị là người chịu trách nhiệm nếu việc phối hợp không đảm bảo theo yêu cầu.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện phối hợp cần lựa chọn linh hoạt các hình thức, phương pháp phối hợp, chế độ thông tin, trao đổi định kỳ và đột xuất. Ngoài hình thức họp trực tiếp cần tăng cường trao đổi (bằng điện thoại, thư điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin...) về những vấn đề phát sinh mới hoặc đột xuất, cấp bách để đảm bảo tiến độ thực hiện.

Giảm bớt các cuộc họp, hội nghị, hội thảo không cần thiết, chỉ mời họp đối với những cơ quan, đơn vị có liên quan để đảm bảo chất lượng cuộc họp.

Sở Nội vụ cũng đề xuất các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đơn giản hóa quy trình xử lý văn bản đến/đi để tiết kiệm các khâu trung gian không cần thiết, qua đó giảm bớt thời gian xử lý công việc.

Thực hiện quy chế phối hợp theo Quyết định 2536/2023, tính đến ngày 30-6-2023, các cơ quan, đơn vị có khoảng 80.854 văn bản đề nghị phối hợp.

Trong đó, khoảng 610 văn bản (chiếm tỉ lệ 0,75%) trễ hạn so với yêu cầu của cơ quan đề nghị.

Các cơ quan cũng thực hiện 14.361 cuộc họp, có một đơn vị không dự họp và có 2.668 trường hợp đề nghị phối hợp kiểm tra, có năm trường hợp không dự theo đề nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm