Từ tháng 5 đến tháng 9-2023, TP.HCM có hơn 200 cán bộ thôi việc

(PLO)- TP.HCM đưa ra bảy nhóm giải pháp kéo giảm tỉ lệ cán bộ thôi việc trong đó sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực công gắn với thí điểm mô hình làm việc không cần có mặt trực tiếp tại cơ quan.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ báo cáo tình hình thôi việc và tuyển dụng mới đối với công chức, viên chức TP.

UBND TP.HCM cho biết từ ngày 1-5 đến 30-9, TP.HCM có 23 công chức nghỉ việc và 179 viên chức nghỉ thôi việc. Đồng thời, trong giai đoạn này, TP.HCM cũng tuyển dụng thêm 64 công chức.

Từ tháng 5 đến tháng 9-2023, TP.HCM có hơn 200 cán bộ thôi việc
TP.HCM đưa ra bảy nhóm giải pháp kéo giảm tỉ lệ cán bộ thôi việc. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

TP.HCM cho rằng nguyên nhân chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) thôi việc do chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc; tình trạng mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống; văn hóa công sở.

Cụ thể, chế độ tiền lương theo quy định chung của Trung ương hiện nay đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh việc thực hiện chế độ tiền lương theo quy định hiện hành, TP.HCM còn triển khai thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ căn cứ vào kết quả đánh giá thực hiện nhiệm vụ hàng quý nhằm cải thiện thu nhập.

Tuy nhiên, các chính sách đãi ngộ tiền lương hiện tại vẫn chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được điều kiện sống, tạo động lực cho cán bộ an tâm làm việc, cống hiến.

Đặc biệt là trong bối cảnh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực công đang đưa ra các chế độ đãi ngộ tiền lương rất hấp dẫn, do đó có sự cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao từ khu vực công.

UBND TP.HCM đánh giá cơ chế bổ nhiệm hiện nay chưa tạo điều kiện cho các nhân tố trẻ phát huy hết tiềm năng và cơ hội phát triển. Đồng thời, thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy và biên chế giảm nên việc cất nhắc, đề bạt cán bộ trẻ khó khăn hơn.

Song song đó, cán bộ TP có tình trạng quá tải công việc, đặc biệt là sau dịch COVID-19 và việc chưa có cơ chế, quy định pháp lý để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung cũng tác động khiến cán bộ thôi việc…

Để kéo giảm tỉ lệ thôi việc, đồng thời khuyến khích tinh thần nỗ lực, phấn đấu, gắn bó lâu dài của cán bộ, TP.HCM đang nghiên cứu xây dựng Đề án về chính sách, giải pháp tạo động lực và giữ chân cán bộ trong bộ máy chính quyền đô thị TP.

Theo đó, UBND TP.HCM đề xuất bảy nhóm giải pháp, gồm: tăng thu nhập; tạo cơ hội thăng tiến; giảm áp lực công việc; tạo động lực làm việc và khuyến khích, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và bổ sung nguồn nhân lực cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm; chính sách nhà ở và hỗ trợ tiếp cận nhà ở; nâng cao chất lượng văn hoá công sở, cải thiện môi trường công vụ.

Đáng chú ý, TP.HCM đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế, chính sách đặc thù, tăng định mức chi hoạt động cho các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, thực hiện cơ chế khoán biên chế, số lượng người làm việc gắn với nâng cao tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

TP.HCM cũng đề xuất đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý theo hướng thi tuyển cạnh tranh, làm tốt công tác quy hoạch gắn với luân chuyển, đưa về cơ sở để rèn luyện, nâng cao năng lực để tạo nguồn lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi.

Phân bổ biên chế, số lượng người làm việc phù hợp với khối lượng công việc và đặc thù của địa phương; tăng cường thuê dịch vụ và nhân sự quản lý; đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực công gắn với thí điểm mô hình làm việc không cần có mặt trực tiếp tại cơ quan.

Đẩy mạnh thu hút nhân lực đăng ký học tập và tham gia tuyển dụng vào khu vực công đối với các lĩnh vực trọng điểm đang thiếu nhân lực. Tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở tại các cơ quan, đơn vị và thường xuyên giao lưu, gặp gỡ, đối thoại để các cấp lãnh đạo, quản lý có cơ hội lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, kịp thời động viên, hỗ trợ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm