Chiều 18-4, Ban Văn hóa- xã hội HĐND TP.HCM do ông Cao Thanh Bình làm trưởng đoàn đã có buổi tái giám sát với Sở Lao động - Thương binh & xã hội, Sở Y tế, Sở Tài chính TP.HCM về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Đây là buổi tái giám sát được tổ chức lại sau khi buổi giám sát trước đó vào chiều 14-4 bị hủy.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM tại buổi tái giám sát chiều 18-4. Ảnh: THANH TUYỀN |
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM một lần nữa nhấn mạnh đến trách nhiệm của các bên tham dự khi tổ chức giám sát. Ông cho rằng, việc tham gia các buổi giám sát là việc hết sức trách nhiệm; chất lượng của buổi giám sát cũng vì thế phụ thuộc vào thái độ và trách nhiệm của các bên.
Ông cho rằng, có những vấn đề phải là lãnh đạo sở, ngành mới trả lời dứt khoát, giải quyết được các nội dung còn vướng mắc. Việc giám sát không chỉ đơn thuần là giám sát làm đến đâu, kết quả như thế nào mà còn là sự đồng hành, cùng giải quyết, cùng gỡ vướng cho các bên liên quan.
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Trần Phương Mai, Phó giám đốc Sở Tài chính TP cho biết nhu cầu kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân trên địa bàn tại các quận, huyện và TP Thủ Đức là 32.400 tỉ đồng.
Bà cho biết, trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, các đơn vị dự toán kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân dự kiến với số tiền rất cao. Con số lại liên tục thay đổi nên TP phải sắp xếp thứ tự ưu tiên, các nhiệm vụ cấp bách, điều trị ca giảm tử vong.
Trong năm 2021, sau khi sử dụng hết nguồn dự phòng ngân sách năm, ngành tài chính rà soát các nguồn lực đã được tích lũy từ nhiều năm trước nhưng chỉ cân đối được hơn 18.000 tỉ đồng, thiếu hơn 15.000 tỉ đồng.
Các địa phương cũng nêu ra khó khăn khi đến nay, rất đông người dân là đối tượng được hưởng hỗ trợ theo gói thứ 3 theo NQ 97 của HĐND TP vẫn chưa nhận được. Cụ thể, huyện Bình Chánh có hơn 470.000 người, quận Bình Tân hơn 320.000 người vẫn chưa nhận được hỗ trợ.
Đại diện các quận, huyện, TP Thủ Đức cũng cho biết chi phí chống dịch đã được các địa phương tạm ứng các nguồn khác để chi trả nhưng hiện vẫn chưa được TP hoàn trả. Quận Tân Bình hiện đang thiếu kinh phí để duy trì hoạt động BV dã chiến đa tầng, quận đã phải tạm cấp kinh phí cho BV trong ba đợt là 60 tỷ; hiện BV vẫn nợ các nhà cung cấp 70 tỉ đồng; chi phí hỗ trợ tiền ăn cho F0,F1 là khoảng 40 tỉ vẫn chưa có được nguồn để thanh toán.
Đại diện Sở Y tế cũng cho biết hiện nay, việc chi trả chế độ hỗ trợ cho lực lượng tình nguyện viên, thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp hay đội ngũ chăm sóc F0 tại nhà vẫn đang chậm trễ. Ông đề nghị TP sớm bổ sung kinh phí.
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Ban văn hóa - xã hội HĐND TP đánh giá cao nỗ lực của các sở, ngành cùng các địa phương trong đợt dịch vừa qua. Ông đặc biệt biểu dương ngành y tế trong hoàn cảnh khó khăn vừa tham gia chống dịch, vừa tham mưu cho TP các quyết sách, thông qua hai nghị quyết về hỗ trợ tình nguyện viên tham gia chống dịch; củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn… Từ đó, ông mong Sở Y tế TP sẽ có chính sách giữ chân và chăm sóc tốt lực lượng y tế cơ sở.
Ông Cao Thanh Bình nhìn nhận, quá trình chống dịch dù có nhiều thành quả nhưng vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Thời gian qua các sở, ngành có sự phối hợp trong giải quyết công việc nhưng vẫn chưa đồng bộ, nhịp nhàng trong việc triển khai.
Ông yêu cầu địa phương rà soát lại tất cả các trường hợp, nếu hỗ trợ không đúng đối tượng thì mạnh dạn vận động người dân trả lại; nếu có dư luận xuyên tạc thì mạnh dạn công khai cách xử lý.
Ông nhấn mạnh việc gần một triệu người dân ở Củ Chi, Bình Chánh, Bình Tân vẫn chưa được chi trả với số tiền gần 1.000 tỉ đồng và đề nghị sớm bổ sung nguồn để chi cho người dân.
Ông cho rằng, dù có ban hành bao nhiêu chính sách đi chăng nữa nhưng các chính sách đó không thể triển khai kịp thời thì sẽ không mang lại hiệu quả. Các sở, ngành và địa phương cần ngồi lại với nhau ngay khi có vướng mắc để cùng tháo gỡ, làm sao để nhanh chóng giải quyết kịp thời cho người dân.
TP.HCM đã chi hỗ trợ đợt 3 cho hơn 6,5 triệu người
Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, Sở LĐ-TB-XH TP cho hay, với NQ 09/2021 của HĐND TPHCM, TP.HCM đã hỗ trợ giải quyết cho hơn 1 triệu người lao động tự do với tổng số tiền hơn 1.840 tỉ đồng; hỗ trợ lao động hơn 129.000 lao động ngừng việc, hoãn việc; hỗ trợ hơn 21.634 điểm kinh doanh của thương nhân tại các chợ truyền thống...
Hiện, TP đã hỗ trợ cho hơn 6,5 triệu người với hơn 6.500 tỉ đồng cho người dân thuộc đối tượng gói hỗ trợ đợt 3.