TP.HCM chính thức tháo dỡ trạm thu phí cầu Bình Triệu

Theo thông tin từ Sở GTVT TP.HCM, hiện nay các đơn vị đang tập trung tháo dỡ trạm thu phí cầu Bình Triệu. Cụ thể là tháo dỡ các cabin thu phí theo hướng từ quốc lộ 13 lên cầu Bình Triệu 2, còn hướng từ cầu Bình Triệu 1 về quận Thủ Đức, có ba cabin đang chuẩn bị được dỡ bỏ.

Sở GTVT cho biết việc tháo dỡ này được thực hiện từ 28-10, dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tuần này. Tổng chi phí tháo gỡ khoảng 100 triệu đồng từ nguồn vốn duy tu hàng năm.

Các cabin thu phí theo hướng từ quốc lộ 13 lên cầu Bình Triệu 2 đã được tháo dỡ.

Được biết, dự án cầu Bình Triệu đã dừng thu phí năm năm nay nhưng vẫn chưa tháo dỡ là do dự án vẫn chưa chính thức chấm dứt hình thức hợp đồng BOT. UBND TP.HCM đã chấp thuận ngừng hợp đồng BOT và chuyển đổi sang đầu tư ngân sách đối với dự án này.

Cụ thể, vào tháng 7-2020, UBND TP đã giao cho các sở, ngành làm thủ tục chấm dứt hợp đồng BOT dự án, đồng thời chấp thuận đề xuất của Sở GTVT giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ tổ chức tháo dỡ hai trạm thu phí trên.

Còn hướng từ cầu Bình Triệu 1 về quận Thủ Đức, ba cabin chuẩn bị được dỡ bỏ. 

Các đơn vị thi công cũng đã tái lập mặt đường.

Trạm thu phí trên được tháo dỡ sẽ bớt đi một nút thắt thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm, nhất là những dịp lễ tết.

Anh Mai Văn Công (ngụ tại quận Thủ Đức) chia sẻ: “Vào dịp tết, tôi thường đến Bến xe miền Đông cũ để về quê, chưa lần nào tôi đi mà không chứng kiến cảnh kẹt xe kéo dài từ bến xe qua chân cầu Bình Triệu. Đặc biệt, tắc ở hai trạm thu phí này. Nay trạm thu phí được tháo dỡ, đường thông thoáng, rộng rãi hơn hẳn".

Hai giai đoạn của dự án BOT Bình Triệu 2

Giai đoạn 1 của dự án BOT cầu Bình Triệu 2 được triển khai từ năm 2004, do Cienco 5 làm chủ đầu tư. Đến năm 2008, UBND TP.HCM cho phép triển khai giai đoạn 2 và giao Công ty CP đầu tư hạ tầng giao thông TP.HCM (Công ty CII) làm chủ đầu tư.

Dự án bao gồm các hợp phần như: Nâng cấp mở rộng QL13 từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước; sửa chữa cầu Bình Triệu 1; mở rộng đường Nguyễn Xí và xây dựng nút giao thông ngã năm Đài Liệt Sĩ; mở rộng đường Ung Văn Khiêm; hoàn trả chi phí đầu tư mà Cienco 5 đã thực hiện.

Đến năm 2010 Công ty CII mới chỉ hoàn thành xây cầu Bình Triệu 2, sửa chữa cầu Bình Triệu 1 và cũng đã thu phí hoàn vốn.

Năm 2018, UBND TP.HCM và Công ty CII ký hợp đồng BOT về dự án cầu đường Bình Triệu 2 trên cơ sở điều chỉnh hợp đồng cũ, với các hạng mục chưa được thực hiện gồm: Mở rộng đường Ung Văn Khiêm lên 30m; xây dựng nút giao thông Đài Liệt Sĩ; mở rộng cầu Ông Dầu trên QL13 với tổng vốn đầu tư 2.293 tỉ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 1.364 tỉ đồng do nhà đầu tư ứng cho địa phương trả. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới