Chính phủ vừa có báo cáo tổng hợp Nghị quyết số 113/2015 của Quốc hội và các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn.
Theo đó, Chính phủ cho biết tính đến tháng 3-2020, cơ quan chức năng tổ chức 118 lần thanh tra, kiểm toán đối với 63 dự án BOT đã vận hành khai thác và đang triển khai đầu tư.
Bộ GTVT đã tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh và rút kinh nghiệm đối với các tồn tại, sai sót bằng nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể, tổ chức họp trao đổi rút kinh nghiệm giữa các phòng, ban, đơn vị; có văn bản chỉ đạo các đơn vị tư vấn, nhà thầu tổ chức rút kinh nghiệm; tổ chức kiểm tra, rà soát và có biện pháp khắc phục kịp thời các sai sót, tồn tại tại các kết luận đã nêu.
Bộ GTVT cũng vừa báo cáo Chính phủ đề xuất tăng phí BOT theo lộ trình đã ký trong hợp đồng với nhà đầu tư. Ảnh: V.LONG
“Cạnh đó, Bộ GTVT thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị trong việc thực hiện kết luận của thanh tra, kiểm toán…” - Chính phủ báo cáo.
Hiện Bộ GTVT nghiêm túc thực hiện chủ trương không đầu tư dự án BOT trên đường hiện hữu, chỉ đầu tư dự án áp dụng hình thức BOT đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân.
Đến nay, Bộ GTVT đã chuyển hình thức đầu tư 10 dự án đã phê duyệt đề xuất dự án hoặc đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi sang hình thức đầu tư công. Đàm phán với các nhà đầu tư để dừng bốn dự án đã ký hợp đồng, mới triển khai. Bộ GTVT chỉ thực hiện theo hình thức BOT đối với các dự án xây dựng mới và tập trung chủ yếu đường bộ cao tốc.
Đặc biệt, Bộ GTVT đã có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kiểm điểm đôn đốc việc quyết toán dự án BOT, BT, BOO hoàn thành để làm cơ sở xác định thời gian hoàn vốn, mức giá, công khai, minh bạch theo quy định hợp đồng đã ký. Chủ động mời Kiểm toán Nhà nước kiểm toán các dự án. Đến nay toàn bộ 100% các dự án đã được kiểm toán.
“Cạnh đó, bộ cũng chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các kết luận của thanh tra, kiểm toán đối với các dự án về xử lý chi phí, xử lý trách nhiệm và quyết toán chi phí đầu tư… Đến nay Bộ GTVT và các cơ quan có thẩm quyền đã chấp thuận quyết toán cơ bản được 63/67 dự án…” - báo cáo Chính phủ cho hay.
Hiện có 49 dự án BOT đã đến kỳ tăng giá theo hợp đồng nhưng Chính phủ chỉ đạo chưa tăng giá. Theo tính toán, sẽ có khoảng chín dự án bị phá vỡ phương án tài chính nếu phải lùi thời điểm tăng giá đến năm 2022. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của dự án, không đảm bảo kế hoạch trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết với ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu...
“Vấn đề này Bộ GTVT đã rà soát, tính toán cụ thể để đề xuất các phương án và đang lấy ý kiến các bộ, ngành để tổng hợp báo cáo Thủ tướng” - Chính phủ cho biết.
Để tăng cường tính công khai, minh bạch, thuận tiện cho nhân dân và các tổ chức, cơ quan có thể giám sát các dự án giao thông, Bộ GTVT đã đưa vào hoạt động chính thức trang thông tin điện tử công bố thông tin chi tiết về tất cả dự án tại địa chỉ ppp.mt.gov.vn.
Theo đó, người dân đăng nhập vào sẽ tiếp nhận đầy đủ thông tin về dự án, nhà đầu tư, tổng vốn đầu tư, đơn vị thực hiện, thời gian thực hiện, chi phí đầu tư, chi phí quyết toán, mức phí, thời gian thu phí... Đồng thời, công khai các thông số, chính sách về miễn giảm cho xe qua trạm và miễn giảm cho người dân sống quanh trạm thu phí BOT.
“Về cơ bản các địa phương đã triển khai các giải pháp hỗ trợ, bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí. Tuy nhiên, một số địa phương chưa thực sự thực hiện một cách quyết liệt khi phát sinh những hiện tượng mất an ninh trật tự tại trạm thu phí…” - báo cáo Chính phủ nêu rõ.