Ngày 5-3, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu đã chủ trì hội nghị tổng kết công tác tiếp công dân, xử lý đơn trên địa bàn TP năm 2019.
Hơn 46.000 đơn khiếu nại, tố cáo
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tiếp công dân TP.HCM Phan Thanh Tuấn cho biết: Trong năm 2019, TP.HCM đã tiếp hơn 32.000 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh. TP cũng tiếp nhận hơn 46.000 đơn (gần 10.000 đơn không đủ điều kiện xử lý) và đã xử lý hơn 35.000 đơn (đạt tỉ lệ hơn 94,6%).
Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn đã được lãnh đạo TP.HCM trực tiếp lắng nghe, chỉ đạo giải quyết như dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao (quận 9), Thảo cầm viên mới (huyện Củ Chi), khu nhà ở và văn phòng làm việc tại số 1 Bis-1 kép Nguyễn Đình Chiểu (quận 1)…
Ông Tuấn cũng nhìn nhận việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm, quá thời gian quy định. Có trường hợp tồn đọng, kéo dài làm công dân tiếp tục khiếu nại, tố cáo tạo áp lực đối với cơ quan tiếp công dân. Lãnh đạo một số đơn vị chưa thật sự quan tâm, chưa sâu sát, quyết liệt trong việc chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện để tham mưu UBND TP giải quyết đơn theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu tại hội nghị. Ảnh: TL
Mở rộng hình thức tiếp dân
Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân, ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9, cho rằng để công tác này đạt hiệu quả cần xác định trách nhiệm của người đứng đầu. Với các vụ việc phức tạp, khiếu kiện đông người thì chủ tịch quận phải trực tiếp đối thoại với dân, không được đùn đẩy cho cấp dưới.
Theo ông Bảy, sau khi tiếp công dân, người đứng đầu phải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị giải quyết các nội dung kết luận của buổi tiếp công dân. “Đối với các vụ việc phức tạp, người đứng đầu phải dành thời gian đi khảo sát thực tế để nắm vấn đề. Có tổ tư vấn pháp lý nghiên cứu, tư vấn cho chủ tịch UBND quận các vụ việc phức tạp, có tính pháp lý khác nhau” - ông Bảy nói.
Ông cũng cho rằng trong một số trường hợp cần mời các ban xây dựng Đảng, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể có liên quan và Hội Luật gia cùng tham dự để giám sát, phản biện, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Ông Bảy kiến nghị nên pháp lý hóa trách nhiệm cấp phó trong việc tiếp công dân, vì hiện nay người dân khi đi khiếu nại, tố cáo không chấp nhận khi gặp cấp phó. Đồng thời, cần mở rộng nhiều hình thức tiếp công dân linh hoạt như tại thực địa hay tại nhà công dân, thay vì chỉ tiếp ở trụ sở.
Ông cũng kiến nghị liên thông giữa Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo để xử lý tình trạng lòng vòng trong giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo. Cụ thể hóa chế tài xử lý đối với cán bộ và người khiếu nại, tố cáo. “UBND TP cân nhắc kiến nghị trung ương nên thí điểm chế định luật sư công để hỗ trợ chính quyền trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là khi tranh tụng ở các phiên tòa hành chính” - ông Bảy kiến nghị.
Ngoài ra, ông Bảy cũng kiến nghị cho phép thí điểm mô hình tiếp công dân để hòa giải, đối thoại trước khi thụ lý vụ việc khiếu nại, tố cáo (trừ một số vụ việc không được hòa giải).
Đọc đơn thật kỹ, hiểu dân muốn gì
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu đề nghị trong năm 2020, các sở/ngành, quận/huyện cần rà soát, hệ thống, đánh giá những bức xúc của người dân có thể dẫn đến khiếu kiện đông người để chủ động giải quyết dứt điểm.
Chủ tịch UBND các quận/huyện, người đứng đầu các sở/ngành dành thời gian tiếp công dân, đối thoại với dân trong các trường hợp khiếu kiện phức tạp. “Phải đọc đơn của dân cho thật kỹ và hiểu dân muốn chính quyền giải quyết cái gì..., quan tâm đến khó khăn của dân” - ông Châu nói.
Ông cho rằng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo phải theo quy định pháp luật nhưng cũng phải giải quyết các nhu cầu khác của dân.
Đối với các vụ khiếu nại đông người, tồn đọng, ông đề nghị rà soát, hệ thống lại và lãnh đạo đơn vị phải giải quyết, không kéo dài gây phức tạp. “Các lãnh đạo cần quyết tâm trong sáu tháng đầu năm phải giải quyết dứt điểm” - ông chỉ đạo.
Ông cũng yêu cầu Văn phòng UBND TP chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT, Sở Tài chính liên thông phần mềm quản lý hồ sơ khiếu nại, tố cáo đến sở/ngành, quận/huyện và liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo. Thanh tra các cấp kiểm tra công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.