TP.HCM có nhà máy giết mổ heo hiện đại, thương lái vẫn 'chạy' về tỉnh

(PLO)- Dù có nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp với giá rẻ ở TP.HCM, nhưng nhiều thương lái vẫn có xu hướng di chuyển sang các tỉnh lân cận để giết mổ thủ công.

Ngày 28-3, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ cho biết, chấp hành chủ trương của UBND TP.HCM về việc ngừng hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công và chuyển sang các nhà máy giết mổ công nghiệp từ ngày 31-3 tới đây, nhà máy của công ty đã sẵn sàng hoạt động từ ngày 1-4 theo đúng quy định.

Theo đó nhà máy có sáu dây chuyền giết mổ nhập khẩu từ Brazil; các thiết bị chính được sản xuất từ Châu Âu, Mỹ và Nhật; qui trình giết mổ được quản lý theo tiêu chuẩn HACCP… Công suất giết mổ mỗi dây chuyền 120 con heo/giờ, công suất pha lóc 900 con heo/ngày.

Ông Lê Văn Thành, Quản lý nhà máy, đại diện Công ty An Hạ, nói với tâm huyết mang đến thịt sạch cho người dân thành phố gần hai năm qua, nhà máy vào hoạt động với giá thành chỉ bằng chi phí đầu tư cộng với chi phí vận hành. Theo đó, chi phí giết mổ 100.000-120.000 đồng/con so với giết mổ thủ công 50.000-60.000 đồng/con.

Thương lái không quen thao tác với dây chuyền giết mổ công nghiệp

Từ ngày 16-3 công ty đã vận hành thử nghiệm với công suất 200 con heo/ngày và nâng dần lên. Đến cuối tháng 3 sẽ tiếp nhận toàn bộ lượng heo từ cơ sở Xuyên Á và một lượng heo từ những cơ sở thủ công nhỏ lẻ khác chuyển về khi các cơ sở này phải dừng hoạt động theo chỉ đạo của TP.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, đã xuất hiện tình trạng các thương lái chuyển về các tỉnh lân cận như Long An để giết mổ. Qua đó, cho thấy nghịch lý là TP.HCM ra lệnh đóng cửa tất cả các cơ sở giết mổ thủ công trong nội thành, đồng nghĩa TP không cho phép sử dụng thịt được giết mổ thủ công, ngừng kiểm soát giết mổ thủ công. Trong khi đó, heo giết mổ từ lò thủ công các tỉnh lân cận lại đưa về cung cấp cho người dân thành phố.

Ông Thành thông tin thêm, khi đưa vào giết mổ tập trung công ty tập huấn cho thương lái thì họ bỡ ngỡ, không quen với dây chuyền công nghiệp, cảm giác thịt heo không bắt mắt, tươi bằng làm thủ công. Do đó, hiện chỉ có 1/3 thương lái tham gia, còn lại là về các tỉnh.

Dự kiến từ ngày 1-4 nhà máy sẽ chỉ tiếp nhận 500-600 con/ngày trong khi giết mổ thủ công tiếp nhận 1.800 con/ngày.

Nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp đã thực hiện đúng chủ trương là xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp, đảm bảo cung cấp nguồn thịt sạch cho người dân TP, công ty kiến nghị TP, các sở ngành quyết liệt ngăn chặn nguồn heo giết mổ thủ công từ các tỉnh lân cận về tiêu thụ; ngăn chặn nạn giết mổ lậu.

Bên cạnh đó, với quy mô đầu tư hơn 300 tỉ đồng, các thiết bị dây chuyền nhập về đã thanh toán nhưng khi hoạt động lại gặp khó khăn về kinh phí do các thương lái chuyển về các tỉnh lân cận để giết mổ.

"Kiến nghị TP sớm có văn bản chấp thuận cho công ty được đóng tiền thuê đất một lần để có đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, thanh toán công nợ để nhà máy hoạt động hiệu quả hơn"-ông Thành nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới