TP.HCM đầu tư nhiều dự án từ nguồn thu phí hạ tầng cảng biển

(PLO)- Trong bảy tháng triển khai thu phí hạ tầng cảng biển, TP.HCM đã thu về ngân sách TP hơn 1.500 tỉ đồng, đây là nguồn vốn để đầu tư các dự án giao thông trong thời gian tới.

TP.HCM bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1-4-2022, đến nay đã tròn bảy tháng thu phí với nhiều kết quả tích cực. Theo đó, dự kiến Sở GTVT TP sẽ trình thường trực UBND TP về danh mục các dự án đầu tư từ nguồn thu này để trình HĐND TP trong kỳ họp tới.

Thu phí hạ tầng ổn định, liên tục

Sở GTVT TP cho biết hiện nay hệ thống thu phí cảng biển đang được vận hành ổn định, thông suốt theo đúng quy trình của UBND TP.HCM ban hành. Hiện hệ thống thu phí này đã và đang tích hợp dữ liệu chia sẻ từ Cục Hải quan TP, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) trong việc khai báo nộp phí.

Bên cạnh đó, đường dây nóng của đơn vị quản lý thu phí hạ tầng cảng biển cũng nhận được 100-140 cuộc gọi mỗi ngày, 20-30 tin nhắn qua email. Theo Sở GTVT TP, các cuộc gọi chủ yếu đều liên quan đến việc đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống, khai báo phí, xử lý các phát sinh sau thanh toán. Sở GTVT TP cũng cho biết sở không nhận được các nội dung có phản ánh mức phí cao hoặc đề xuất miễn, giảm phí như trước đây.

Kết quả trong bảy tháng, TP.HCM đã thu phí hạ tầng cảng biển hơn 1.562 tỉ đồng, đạt 96,2% so với chỉ tiêu đặt ra trong năm 2022. “Qua thống kê có trên 56.000 DN đăng ký khai báo nộp phí. Hầu hết các DN đều chấp hành nghĩa vụ nộp phí” - Sở GTVT TP cho biết.

Tuy nhiên, theo Sở GTVT TP, tỉ lệ tiền chưa nộp phí so với số tiền khai báo phí phải nộp, tỉ lệ hủy tờ khai vẫn chiếm tỉ trọng cao. Tổng số tiền chưa nộp phí chiếm hơn 6,68%, tổng số tờ khai hủy chiếm 2,52% và đang có chiều hướng tích cực giảm dần theo từng ngày. Các trường hợp này đang được Cảng vụ đường thủy nội địa phối hợp với Cục Hải quan TP.HCM thực hiện đối soát.

Đồng thời, cả hai đơn vị này cũng phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng thông báo đến các DN chưa nộp phí để yêu cầu thực hiện nộp phí theo quy định.

Dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức) là một trong những dự án có trong danh sách dự án ưu tiên đầu tư. Ảnh: ĐT

Dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức) là một trong những dự án có trong danh sách dự án ưu tiên đầu tư. Ảnh: ĐT

Triển khai đầu tư nhiều dự án vào năm 2023

Lý giải về tỉ lệ tiền chưa nộp phí so với số tiền khai báo phí phải nộp hoặc tỉ lệ hủy tờ khai vẫn chiếm tỉ trọng cao, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết có thể là DN chưa đóng hoặc chưa xác định luồng hàng có phải đóng hay không. “Đa phần các DN khai trước sau đó sẽ đóng sau” - ông An nói.

Cũng từ thực trạng trên, Sở GTVT TP cũng đã yêu cầu Cảng vụ đường thủy nội địa phối hợp với Chi cục Hải quan TP.HCM để phối hợp, hỗ trợ DN kê khai và nộp phí đúng theo quy định. Hiện tại, tỉ lệ hủy tờ khai hay chưa đóng phí đã giảm từng ngày.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông An cũng cho biết trong kỳ họp HĐND kỳ này, UBND TP sẽ trình HĐND TP ưu tiên khởi công một số dự án từ nguồn phí thu được. Trong đó, TP sẽ ưu tiên các dự án trọng điểm, đủ điều kiện khởi công như có mặt bằng, đã giải phóng mặt bằng…

Dự kiến đầu tháng 12 này, Sở GTVT TP sẽ trình thường trực UBND danh mục các dự án giao thông ưu tiên đầu tư. Sau đó, UBND TP sẽ trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư hoặc thứ tự ưu tiên các dự án.

Theo ông An, các dự án này sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng, mạng lưới giao thông TP trong thời gian tới. Đặc biệt là các dự án giao thông khu vực cửa khẩu cảng biển, tạo điều kiện cho các DN vận tải thuận lợi hơn trong quá trình di chuyển.

Bên cạnh đó, Sở GTVT TP cho biết theo Nghị quyết 10/2020 của HĐND TP.HCM, phí hạ tầng cảng biển sẽ trích tỉ lệ để phục vụ công tác thu phí. Trong thời gian chưa có số liệu dự toán thu chi thực tế từ việc thu phí, UBND TP điều hành việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán phí phục vụ công tác thu phí đảm bảo đúng quy định của Luật Phí và lệ phí và các văn bản hướng dẫn liên quan. Theo đó, với tổng số tiền trích lại cho đơn vị thu phí tối đa không quá 1,5% trên tổng số phí thu được.

Sau một năm triển khai thực hiện đề án, UBND TP sẽ đánh giá lại tình hình thu phí và chi phí phục vụ công tác thu phí trên để xác định tỉ lệ trích lại cho phù hợp, trình HDNĐ TP xem xét, quyết định. Như vậy đến năm 2023, Sở GTVT TP sẽ đánh giá lại tình hình thu phí, chi phí phục vụ công tác thu phí để xác định tỉ lệ trích lại cho phù hợp, trình HĐND TP xem xét, quyết định.•

14 dự án được TP.HCM ưu tiên bố trí vốn

Sở GTVT tính toán đến 2025 nguồn thu từ phí hạ tầng cảng biển dự kiến đạt khoảng 16.000 tỉ đồng. Sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu sẽ được đầu tư các công trình quanh cảng, đây là một trong những giải pháp nhằm sớm hoàn thành các công trình, giảm áp lực giao thông quanh cảng biển TP.HCM.

Trong đó, từ nay đến năm 2025, có 14 dự án được TP.HCM ưu tiên bố trí vốn từ nguồn này. TP sẽ ưu tiên các dự án chủ lực, không đầu tư dàn trải, triển khai xong dự án này mới triển khai qua dự án khác.

Tiêu biểu phải kể đến các dự án khu vực cảng Cát Lái như đường Nguyễn Thị Định, các hạng mục còn lại của nút giao Mỹ Thủy, đường Nguyễn Duy Trinh, tuyến đường mới từ cảng Cát Lái đến Phú Hữu; cầu Thủ Thiêm 4, mở rộng đường Lưu Trọng Lư kết nối cảng Tân Thuận với đường Nguyễn Văn Linh, quận 7…

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm