Sáng 20-12, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo “Giáo dục thông minh tại TP.HCM”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết hiện nay TP đang triển khai đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh”. Trong đó giáo dục phải đi trước, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế, tạo nguồn lực để xây dựng TP văn minh, hiện đại.
Trong thực tế, giáo dục phổ thông của TP đã sớm nhận thức, tập trung đầu tư một cách toàn diện để xây dựng và phát triển “Giáo dục thông minh”. Cụ thể, TP xây dựng hạ tầng cơ sở hiện đại đáp ứng hiệu quả hoạt động dạy và học, xây dựng nguồn nhân lực cho giáo dục thông minh, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, tạo môi trường giáo dục thuận lợi.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm tham quan các sản phẩm được trưng bày tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Ông Sơn cũng cho biết trong quá trình thực hiện, ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn. Số lượng học sinh tăng nhanh nên áp lực đầu tư xây dựng trường lớp đáp ứng yêu cầu chỗ học của học sinh TP rất lớn. Điều này ảnh hưởng đến việc duy trì nâng cao chất lượng giáo dục.
Hình thức tổ chức dạy học truyền thống gắn với truyền thụ kiến thức khiến giáo dục thiếu tính linh hoạt. Kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở giáo dục chưa đáp ứng tốt cho giáo dục thông minh. Việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông thiếu đồng bộ; kết nối cơ sở dữ liệu, khai thác sử dụng trang thiết bị chưa hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm khẳng định: “Việc định hướng trong xây dựng giáo dục thông minh với những giải pháp và bước đi cụ thể là nhiệm vụ quan trọng của TP”.
Ông Liêm đề nghị Sở GD&ĐT TP tiếp tục tiếp thu, đánh giá đúng và đầy đủ thực trạng giáo dục thông minh tại các trường phổ thông. Tham mưu việc tiếp tục triển khai thực hiện giáo dục thông minh trên địa bàn TP trên các phương diện nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.
Thứ nhất, đổi mới phương pháp dạy-học, kiểm tra-đánh giá, triển khai giáo dục STEM, hoạt động nghiên cứu khoa học, trí tuệ nhân tạo… gắn với cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Hệ thống học liệu mở, giáo dục-đào tạo trực tuyến, tạo điều kiện cho học sinh, người dân nâng cao kỹ năng tự học.
Thứ hai, đầu tư, sử dụng các trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, thông minh và các tiện ích thông minh phục vụ nhu cầu học tập, sinh hoạt của học sinh. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà trường thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung.
Thứ ba, đề xuất các giải pháp toàn diện, hiệu quả để phát triển giáo dục thông minh tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn,
Thứ tư, UBND TP cùng các quận, huyện cùng quan tâm, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin và truyền thông cho các trường, hướng tới xây dựng hoàn thành kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin ngành giáo dục, là cơ sở để kết nối các phần mềm, tạo cơ sở dữ liệu dùng chung…