LTS: Nhằm góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong hai tháng cuối năm 2023, tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM vào chiều 30-10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã phát động 60 ngày giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ban ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức đẩy mạnh giải ngân, đảm bảo đến cuối năm 2023 phải giải ngân đạt 95%.
Thực hiện yêu cầu của UBND TP.HCM về việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhiều địa phương cho biết đang tranh thủ “từng ngày, từng giờ” để tăng tốc giải ngân vào những ngày cuối năm nhằm đạt chỉ tiêu đã đăng ký với TP. Các địa phương cũng đã có nhiều kiến nghị, giải pháp gửi đến các sở, ban ngành TP đề nghị nhanh chóng giải quyết khó khăn, vướng mắc để đưa con tàu “vốn đầu tư công” về đích đúng hẹn.
Bình Chánh: Đạt chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Đức Thanh, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết thời gian qua, UBND huyện Bình Chánh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với các chủ đầu tư, yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ, có kế hoạch giải ngân cụ thể đối với từng dự án trên địa bàn huyện. Với nhiều giải pháp đưa ra, đến nay tiến độ giải ngân của huyện đã đạt chỉ tiêu như cam kết với UBND TP.
Cụ thể, giá trị giải ngân đến ngày 17-10 là 360,943 tỉ đồng, đạt 57,43% kế hoạch vốn đã giao. Trong đó, vốn tập trung ngân sách TP là 292,773 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 53,67% kế hoạch. Vốn bổ sung có mục tiêu là 68,171 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 82,17% kế hoạch. “Để đạt mục tiêu giải ngân trong năm 2023, ngoài tập trung chỉ đạo các cơ quan, chủ đầu tư dự án, UBND huyện tiếp tục kiến nghị UBND TP, các sở, ngành TP tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) ở các dự án trọng điểm của TP trên địa bàn huyện” - ông Thanh nói.
Đơn cử như vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB dự án nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 50 (chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng); dự án đường vành đai 3, TP.HCM (chính sách tái định cư và hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm)… Ngoài ra, huyện còn kiến nghị các sở, ngành đẩy nhanh và hoàn thành sửa chữa chung cư tại khu tái định cư 30 ha xã Vĩnh Lộc B để phục vụ bố trí tái định cư cho người dân ở các dự án trọng điểm như nâng cấp Quốc lộ 50, dự án bờ kè Xóm Củi, dự án đường vành đai 3, dự án cụm y tế Tân Kiên.
Gò Vấp: Lý do chưa thể giải ngân vốn đầu tư công
Tại quận Gò Vấp, ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận, cho biết đến ngày 31-10, quận đã giải ngân 72,659 tỉ đồng/89,983 tỉ đồng với tỉ lệ 80,74% đối với nhóm xây lắp do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng dự án quận làm chủ đầu tư. Dự kiến đến ngày 31-12, tỉ lệ giải ngân nhóm này sẽ trên 95%. Với nhóm bồi thường, GPMB, dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng dự án quận làm chủ đầu tư đã giải ngân hơn 1,4 ngàn tỉ đồng, đạt tỉ lệ 80,86%. Dự kiến đến ngày 31-12, tỉ lệ giải ngân của nhóm này đạt trên 81%.
Hàng loạt dự án sắp được bàn giao mặt bằng
Từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 10 dự án được bàn giao mặt bằng để tiếp tục các công việc triển khai thực hiện. Cụ thể, TP sẽ nhận được mặt bằng cho dự án đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp), cầu Ông Nhiêu (TP Thủ Đức), Bà Hom và Tên Lửa (quận Bình Tân)…
Dự kiến năm 2024 sẽ hoàn thành khoảng 10 công trình dự án để phục vụ bà con TP.HCM như các cầu Nam Lý, Phước Long, Rạch Đĩa, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ...
Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo TP, các địa phương, cũng như người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi các dự án để có thêm nhiều mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm.
Ông LƯƠNG MINH PHÚC, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM
Theo ông Khang, việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn quận Gò Vấp hiện nay vẫn còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, với dự án thành phần 2 - bồi thường, GPMB phục vụ dự án nâng cấp, mở đường Dương Quảng Hàm, hiện nay quá trình rà soát hồ sơ pháp lý của các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dự án cho thấy hồ sơ không đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng một phần yêu cầu theo quy định về bồi thường. Do đó, dự toán kinh phí cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các cá nhân bị giảm.
“Một trong những nguyên nhân không thể giải ngân hết vốn bồi thường đã được bố trí là do một số trường hợp nhà đất bị ảnh hưởng giải tỏa đã được cấp giấy chứng nhận. Qua rà soát pháp lý của các phòng, ban đơn vị kiểm tra nguồn gốc nhà đất, một số trường hợp phải thu hồi giấy chứng nhận đã cấp do cấp chưa đúng quy định. Việc này dẫn đến tình trạng mua nhà đất chưa đủ điều kiện được bồi thường và chỉ được hỗ trợ đất ở hoặc bồi thường theo đơn giá đất nông nghiệp” - ông Khang nói.
Ngoài ra, các trường hợp đất lấn chiếm đất công chỉ được hỗ trợ về đất, không được bồi thường hoặc trường hợp đất lấn chiếm và xây dựng sau thời điểm ngày 1-7-2004 không được bồi thường, hỗ trợ về đất và cấu trúc xây dựng…
Hóc Môn: Đảm bảo đạt 90%-95% tiến độ giải ngân
Ông Võ Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết hiện trên địa bàn huyện có nhiều dự án cần giải ngân. Vì vậy, huyện nỗ lực hết sức, chạy tối đa công suất để đạt tiến độ giải ngân.
Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn huyện, ông Thắng cho biết tính đến giữa tháng 11-2023, huyện đã đạt khoảng 65%-70% con số được giao.
Theo ông Thắng, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 3.500 hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án cần GPMB, hỗ trợ bồi thường, tái định cư. Công việc này nếu bình thường phải cần đến vài năm làm nhưng huyện cố gắng hoàn thành trong sáu tháng. Dự kiến huyện sẽ đạt chỉ tiêu giải ngân 90%-95% tiến độ như yêu cầu của TP. •
Nhiều dự án chờ mặt bằng
Dự án nạo vét rạch Xóm Củi giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư được phê duyệt là 1.397 tỉ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư.
Đây là dự án góp phần tiêu thoát nước mưa từ khu vực trung tâm TP, khu vực phía nam và đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước cho vùng rạch phụ trách với diện tích khoảng 761 ha. Trên địa bàn huyện Bình Chánh, dự án có 136 trường hợp bị ảnh hưởng với diện tích hơn
351.000 m2. Hiện huyện Bình Chánh đã lấy ý kiến các hộ dân và hướng dẫn lập thủ tục kê khai, kiểm đếm, đo đạc tình trạng sử dụng đất.
Là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng, bà Nguyễn Thị Xuân Hoa (xã Bình Hưng) cho biết gia đình bà đã sống ở đây lâu đời. Bà cũng đã nghe thông tin về dự án từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. “Gia đình chúng tôi sống trong căn nhà chỉ khoảng 30 m2. Nhà đã cũ kỹ, chúng tôi muốn sửa chữa để có cuộc sống tốt hơn nhưng vẫn không được. Ngoài ra, con rạch hiện rất ô nhiễm, sống ở đây chúng tôi phải chịu đựng mùi hôi thời gian dài” - bà Hoa nói.
Một dự án khác cũng đang chờ được bấm nút khởi động là tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP, các quận có tuyến metro số 2 đi qua đã hoàn tất hơn 99% thủ tục bồi thường GPMB. Trong đó, các quận 1, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú đạt 100%. Tỉ lệ bàn giao mặt bằng của toàn tuyến metro số 2 đạt 86,69%, tương đương 508/586 mặt bằng được bàn giao. Tuy nhiên, trên địa bàn quận 3, theo báo cáo của UBND thì quận này có 113 hộ dân bị ảnh hưởng, vốn bồi thường được giao là 423 tỉ đồng nhưng nhiều khả năng không kịp giải ngân trong năm nay vì vẫn vướng thủ tục trong chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án.
Hay như ở huyện Hóc Môn, dự án nâng cấp, sửa chữa tuyến đường Thới Tam Thôn 5, vướng GPMB do bình đồ tuyến không lấy đều hai bên nên người dân không đồng thuận khiến bản vẽ phải chỉnh sửa nhiều lần. Hoặc dự án cải tạo rạch Lý Thường Kiệt của huyện này cũng gặp khúc mắc do một số đoạn có thiết kế chưa phù hợp với thực tế nên phải điều chỉnh ranh dự án.