Kon Tum: Xử lý trách nhiệm chủ đầu tư giải ngân vốn đầu tư công thấp

(PLO)- Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm và xếp loại mức không hoàn thành nhiệm vụ đối với chủ đầu tư có kết quả giải ngân vốn đầu tư công thấp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã có thông báo kết luận về việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2023, yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm và xếp loại mức không hoàn thành nhiệm vụ đối với chủ đầu tư có kết quả giải ngân thấp do nguyên nhân chủ quan.

Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, khẩn trương khắc phục khó khăn trong định giá đất, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân vốn đầu tư công.

Giải ngân vốn thấp
Dự án bờ kè sông Đăk Bla giải ngân thấp. Ảnh: LK.

Trong những tháng cuối năm 2023, phải thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2023 đạt từ 8,33% và thu ngân sách từ 4.200 tỉ đồng trở lên.

Để hoàn thành đạt các chỉ tiêu, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh, các địa phương phát huy kết quả đạt được, khẩn trương khắc phục các hạn chế, yếu kém; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, quyết tâm, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Vừa qua, Tổ Công tác số 5, do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng đã có báo cáo về tiến độ giải ngân tại nhiều tỉnh, thành phố đến hết tháng 9-2023. Trong đó, Kon Tum là một trong ba địa phương (hai tỉnh khác là Gia Lai 29% và Đồng Nai 35,2%) có tỉ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước (cả nước 51,38%), đạt hơn 32%.

Báo cáo chỉ ra nguyên nhân của việc giải ngân chậm là do việc đền bù, giải phóng mặt. Bên cạnh đó, việc thiếu nguyên vật liệu (cát đắp nền đường, đất đắp) làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, công trình.

Trên địa bàn tỉnh có sáu dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, ba dự án có tỉ lệ giải ngân 2%, gồm: dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng Kiểm lâm Kon Tum; dự án hệ thống thoát nước, vỉa hè các tuyến đường nội thành, TP Kon Tum; dự án xây dựng cầu và đường hai đầu cầu từ bến du lịch xã Ia Chim, TP Kon Tum. Dự án kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla (9%).

Đặc biệt, có hai dự án giải ngân 0%, gồm: dự án nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 671 do Sở GTVT làm chủ đầu tư và dự án đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) do UBND huyện Kon Rẫy làm chủ đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm