Giải ngân vốn ODA vùng Đồng bằng sông Cửu Long thấp

(PLO)- Theo Bộ KH&ĐT, các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của địa phương vùng ĐBSCL có tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân chậm, thấp hơn so với mức chung của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 8-7, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai vốn ODA vùng ĐBSCL.

Tham dự còn có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, đại diện các Bộ ngành và lãnh đạo 13 tỉnh thành trong khu vực.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ trăn trở về việc vốn ODA đang gặp khó khăn, vướng mắc và yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Vừa qua, Chính phủ đã sửa một số nghị định liên quan và đang tiếp tục rà soát các quy định liên quan, cũng như công tác phối hợp giữa các bộ.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, hiện có 62 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài do các địa phương vùng ĐBSCL là cơ quan chủ quản đang triển khai thực hiện có tổng mức vốn nước ngoài là 56.442 tỉ đồng (tương đương 2,8 tỉ USD), chủ yếu từ các nhà tài trợ WB, ADB, AFD, KEXIM, KfW...

Trong giai đoạn 2021-2025, các dự án của địa phương vùng ĐBSCL đã được giao 15.174 tỉ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài từ ngân sách trung ương (NSTW). Năm 2023, các địa phương vùng ĐBSCL được giao 2.884 tỉ đồng vốn nước ngoài từ NSTW.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài của địa phương vùng ĐBSCL giải ngân vốn nước ngoài từ NSTW trung bình đạt 5,34%, so với kế hoạch được giao, thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả nước (15,7%) và mức bình quân chung của các địa phương (9,1%).

bệnh viện ung bứu cần thơ
Dự án Bệnh viện Ung bướu có tổng mức đầu tư hơn 1.727 tỉ đồng, trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Hungary chiếm 80%. Đến nay, đã thực hiện hơn 21% tổng giá trị hợp đồng, trong khi dự án đã hết hạn giải ngân cách đây khoảng 1 năm. Ảnh: HD

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, nhìn chung các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của địa phương vùng ĐBSCL gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; có tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân chậm, thấp hơn so với mức chung của cả nước.

Từ đó Bộ KH&ĐT đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và tình hình thu hút và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục như triển khai kiểm soát chi và đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn góp phần thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

cầu trần hoàng na

Dự án xây dựng cầu Trần Hoàng Na có tổng vốn đầu tư hơn 791 tỉ đồng. Đến nay mới thực hiện được hơn 80% khối lượng. Chủ đầu tư đang đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ nỗ lực hợp long vào ngày 2-9

Cũng theo Bộ KH&ĐT việc thực hiện, giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA và vốn nước ngoài tại vùng ĐBSCL gặp khó khăn, vướng mắc bởi nguyên nhân chính là thể chế, pháp luật quy định về vốn ODA, vốn vay ưu đãi chưa điều chỉnh theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Tính sẵn sàng của các dự án còn thấp.

Bên cạnh đó, vướng mắc trong công tác điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh Hiệp định vay; bố trí kế hoạch vốn vay lại; quy trình, thủ tục của Việt Nam và nhà tài trợ và ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.

Còn các dự án mới thì phải đáp ứng đồng thời quy định, ưu tiên của Việt Nam và đối tác phát triển nên mất nhiều thời gian, quy trình, thủ tục để xử lý và phê duyệt.

Bên cạnh đó, phần lớn các địa phương vùng ĐBSCL đã sử dụng gần hết hạn mức vay nên gặp khó khăn trong việc xây dựng dự án mới và đáp ứng quy định về tỷ lệ cho vay lại vốn nước ngoài (ở mức 30-70% theo quy định hiện hành).

Còn những dự án đầu tư cầu liên quan 2 địa phương hiện không có cơ chế, quy định pháp lý để có thể triển khai thực hiện.

Để giải quyết các vấn đề này, Bộ KH&ĐT cho rằng cần phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi hoặc ban hành các quy định pháp luật có liên quan đến đầu tư công, tài chính, ngân sách, xây dựng, môi trường… nhằm đơn giản hóa quy trình thủ tục, rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả, chất lượng xử lý các công việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm