TP.HCM đề nghị công nhận Địa đạo Củ Chi là di sản thế giới

Sáng 23-8, UBND TP.HCM đã tổ chức hội thảo lịch sử 70 năm chính quyền TP.HCM (1945-2015). Hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và các chuyên gia, nhà khoa học về nội dung của ba tập bản thảo Lịch sử chính quyền TP.HCM giai đoạn 1945-2015.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng lịch sử 70 năm chính quyền TP.HCM đã vận hành trong những điều kiện, bối cảnh hết sức phức tạp, trải qua thời gian dài với biết bao thăng trầm và cũng chồng chất khó khăn. Nhưng TP.HCM đã năng động, sáng tạo, đột phá làm nên những thành tựu quan trọng, góp phần đưa TP trở thành đô thị đặc biệt, đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước.

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, cho rằng thời kỳ sau giải phóng đến 1986 là thời kỳ rất đặc biệt và rất quan trọng trong tiến trình lịch sử xây dựng và phát triển đất nước nói chung và lịch sử TP.HCM nói riêng. “Thời kỳ này cần phải đầu tư nghiên cứu sâu và đánh giá đúng mức hơn” - ông Trực nói và cho rằng cần phản ánh diễn biến lịch sử và đánh giá quá trình các sự biến đổi trên các mặt kinh tế - xã hội, chính trị, văn hóa, an ninh… một cách sâu sắc và làm rõ nét những tính chất và đặc điểm nổi bật của từng thời kỳ.

Ngoài ra, ông Phạm Chánh Trực cũng đề nghị cần làm nổi bật vai trò quần chúng làm nên lịch sử, nhất là làm rõ phong trào tình nguyện xã hội của nhân dân, trong đó thanh niên TP là lực lượng xung kích, như phong trào thanh niên xung phong làm chuyển ý thức xã hội sang lao động tự lực tự cường, phong trào cứu trợ xã hội, xóa đói giảm nghèo, phong trào đền ơn đáp nghĩa, phong trào lao động sản xuất trong công nhân, phong trào khai hoang phục hóa trong nông nghiệp…

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị Ban Biên soạn Lịch sử chính quyền TP giai đoạn 1945-2015 tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện nội dung các tập bản thảo Lịch sử 70 năm chính quyền TP.HCM, sớm trình lãnh đạo TP chính thức ban hành.

Theo ông Phong, những bài học kinh nghiệm quý giá được đúc kết qua hơn 320 năm lịch sử hình thành và phát triển TP, trong đó có hơn 70 năm hoạt động của chính quyền nhân dân là di sản lịch sử và là hành trang quý báu, làm nền tảng cho việc xây dựng TP.HCM ngày càng “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. “Đó cũng là cơ sở để TP sẽ tiếp tục tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân…” - ông Phong nói.

Cũng tại hội thảo, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM đang làm hồ sơ đề nghị công nhận Khu di tích địa đạo Củ Chi là di sản thế giới. “Đây là gợi ý của ông Phạm Sanh Châu, đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, trong cuộc gặp với lãnh đạo TP trước khi lên đường nhận nhiệm vụ” - ông Phong nói và cho biết ông Phạm Sanh Châu là nhà ngoại giao có nhiều năm kinh nghiệm, từng là ứng viên cho vị trí tổng giám đốc UNESCO năm 2017.

Về việc này, ông Nguyễn Thành Phong đã giao Sở Ngoại vụ xin ý kiến Bộ Ngoại giao. “TP.HCM cũng đã làm việc với Bộ Tư lệnh TP, Quân khu 7 để bàn về vấn đề quốc phòng - an ninh liên quan đến địa đạo này và nhận được sự đồng thuận” - ông Phong nói và cho biết TP đang giao Sở Văn hóa và Thể thao làm thủ tục đề nghị công nhận Địa đạo Củ Chi là di sản thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới