UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ TN&MT kiến nghị các nội dung liên quan đến lĩnh vực TN&MT để đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội.
Xử lý vi phạm xả rác bằng hình ảnh
Theo đó, TP.HCM đề xuất cho phép chính quyền các cấp được sử dụng các thiết bị sẵn có tại địa phương như camera, điện thoại thông minh, camera giao thông, camera giám sát an ninh trật tự tại địa phương để phát hiện các hành vi xả rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định.
Đồng thời, UBND TP đề xuất được sử dụng hình ảnh vi phạm vệ sinh nơi công cộng ghi nhận từ các thiết bị thu hình ảnh trên để làm căn cứ xử phạt trực tiếp đối tượng vi phạm.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện yêu cầu rà soát toàn bộ hoạt động của các hệ thống camera lắp đặt tại các trạm trung chuyển, điểm tập kết. Đồng thời, lắp đặt bổ sung số lượng camera và nâng cấp cơ sở hạ tầng cần thiết như máy tính, thiết bị lưu trữ, đường truyền dữ liệu… để phục vụ cho công tác quản lý, giám sát việc bỏ rác thải sinh hoạt.
Thời gian vừa qua, nhiều địa phương ở TP.HCM đã dùng camera để giám sát hành vi xả rác. Qua giám sát, nếu phát hiện trường hợp xả rác, địa phương cử người đến hiện trường kiểm tra và xử lý.
Ông Đỗ Hữu Cường, Chủ tịch UBND phường Đa Kao, quận 1, chia sẻ: “Thông qua camera giám sát, nếu phát hiện trường hợp xả rác ra môi trường, chúng tôi cử người đến hiện trường kiểm tra và có biện pháp xử lý”.
TP.HCM đề xuất cho phép chính quyền các cấp được sử dụng các thiết bị sẵn có tại địa phương để phát hiện hành vi xả rác bừa bãi. Ảnh: NC |
Giải pháp hiệu quả
Việc sử dụng các thiết bị sẵn có tại địa phương như camera, điện thoại thông minh, camera giao thông, camera giám sát an ninh… để phát hiện các hành vi xả rác được cho là giải pháp hiệu quả. Bởi hiện nay công tác xử lý hành vi xả rác ra môi trường cũng chưa thể bao quát hết do lực lượng tại địa phương mỏng.
Ông Nguyễn Anh Hùng (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cho rằng: Ý thức nhiều người dân còn thấp nên tình trạng xả rác, đổ trộm rác ra môi trường vẫn còn nhiều, điều này gây mất vẻ mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Việc dùng hình ảnh từ camera để xử phạt là có hiệu quả và cần được áp dụng rộng rãi.
“Khi biết có camera người dân sẽ không dám xả rác, dần dần sẽ thành thói quen và đi vào nề nếp. Trước đây có nhiều điểm chuyên bị đổ trộm rác. Sau khi lắp camera, người dân không còn dám đổ trộm rác nữa, từ từ xóa luôn bãi rác tự phát” - ông Hùng nói.
Đại diện UBND huyện Bình Chánh cũng đánh giá việc sử dụng camera để xử phạt hành vi xả rác sẽ kéo giảm được tình trạng bỏ rác không đúng nơi quy định. Nhiều trường hợp đổ rác bừa bãi thực hiện vào ban đêm, gây khó cho lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, do đó đây là biện pháp hiệu quả.
“Nhiều trường hợp người dân nơi khác chở rác đến bãi đất trống rồi đổ bỏ, lực lượng chức năng không thể túc trực canh gác và số lượng người cũng còn hạn chế. Nếu có camera sẽ phần nào hạn chế được tình trạng này” - vị đại diện này chia sẻ.•
Phạt 1-2 triệu đối với hành vi bỏ rác bừa bãi
Nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có quy định các mức phạt đối hành vi thu gom, thải rác thải trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:
Phạt tiền 100.000-150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Phạt tiền 150.000-250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải không đúng quy định tại nơi công cộng có thể bị phạt tiền 1-2 triệu đồng. Ảnh: NC |
Phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông ngòi...