TP.HCM đề xuất giao cho địa phương chủ động sắp xếp báo chí

(PLO)- TP.HCM đề xuất Trung ương có hướng dẫn về lộ trình, cách thức tổ chức thực hiện việc sắp xếp hệ thống báo chí sau năm 2025; giao sự chủ động cho các địa phương tổ chức thực hiện theo nhu cầu, điều kiện, đặc thù cụ thể của mỗi nơi. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 24-12, Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội nhà báo Việt Nam đã tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Tại hội nghị, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo TP.HCM Lê Hồng Sơn cho biết, thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, TP đã tiến hành sắp xếp, giảm 9 cơ quan. Từ 28 cơ quan còn 19 cơ quan (gồm 7 báo in, 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 10 tạp chí).

TP.HCM đề xuất giao cho địa phương chủ động sắp xếp báo chí ảnh 1

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện quy hoạch, việc xử lý về tài sản, công nợ, nhân sự… còn có những khó khăn, cần sự hỗ trợ, định hướng của Trung ương để giải quyết triệt để.

Quá trình sắp xếp, các cơ quan báo chí cũng gặp một số khó khăn.

Các báo của TP.HCM sau khi chuyển đổi thành tạp chí đều có trang điện tử hoạt động. Hầu hết, các nội dung thông tin, tổ chức hoạt động trên các sản phẩm này đều thể hiện như trước, chỉ thay đổi danh xưng theo giấy phép hoạt động là “tạp chí”. Điều này lại bị vướng vào tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử.

“Việc 'báo hóa' tạp chí ở các cơ quan tạp chí của TP.HCM không thực sự rõ nét nhưng với quá trình cạnh tranh thông tin, với tác động chung và nhu cầu cung cấp thông tin của đối tượng bạn đọc, nếu không có những giải pháp khác hoặc được điều chỉnh quy định cụ thể, có thể sẽ trở thành những vi phạm đáng lưu ý”- ông Sơn nhìn nhận.

Các cơ quan báo chí sau khi chuyển đổi cơ quan chủ quản đều ổn định về hoạt động, bộ máy và tổ chức, được sự chỉ đạo, định hướng hoạt động và quản lý cụ thể, chặt chẽ của cơ quan chủ quản.

Báo chí TP.HCM phần lớn đều có uy tín, số lượng phát hành khá cao, có vị trí nhất định trong hoạt động báo chí và mức độ lan tỏa thông tin của các tờ báo đều tích cực; nội dung thông tin nghiêm túc, rất ít có những trường hợp cần phải nhắc nhở.

TP.HCM đề xuất giao cho địa phương chủ động sắp xếp báo chí ảnh 2

Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo TP.HCM Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG

Trong năm qua, các cơ quan báo chí TP chú trọng sử dụng mạng xã hội để tiếp cận nhiều hơn, nhanh hơn đến với công chúng, như: Facebook, YouTube, TikTok… khai thác các ứng dụng truyền thông đa phương tiện trên trang điện tử để phát huy tối đa hiệu quả thông tin.

Từ đó tình hình hoạt động kinh tế báo chí của các cơ quan báo chí TP tiếp tục ổn định; doanh thu từ các hoạt động bán báo, quảng cáo, truyền thông giúp các cơ quan báo chí cơ bản chủ động trong hạch toán.

Năm 2023, TP đề xuất trung ương xem xét có hướng dẫn về lộ trình, cách thức tổ chức thực hiện việc sắp xếp hệ thống báo chí sau năm 2025. Trong đó xem xét, có thể giao sự chủ động cho các tỉnh ủy, thành ủy tổ chức thực hiện theo nhu cầu, điều kiện, đặc thù cụ thể của từng địa phương.

“Giải quyết được vấn đề này, các cơ quan báo chí mới có thể có chiến lược, định hướng phát triển tốt hơn trong thời gian tới, đồng thời đội ngũ người làm báo có thể yên tâm công tác, cống hiến”, ông Sơn nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm