Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Thông tin báo chí ngày càng đậm nét, có chiều sâu

(PLO)- Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương nhận xét thông tin trên báo chí thể hiện rõ nét hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 24-12, Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội nhà báo Việt Nam đã tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Thông tin báo chí ngày càng đậm nét, có chiều sâu ảnh 1

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao đổi với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: KHÁNH AN

Thông tin trên mặt báo ngày càng đậm nét, có chiều sâu

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đánh giá, trong năm 2022 công tác báo chí đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Thông tin trên báo chí thể hiện rõ nét hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước.

Các thông tin tuyên truyền đậm nét, có chiều sâu những chỉ đạo, điều hành của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, thực thi pháp luật; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19; đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan hội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành và chủ động ban hành các văn bản nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động, phát triển, đồng thời có những quy định về xử lý nghiêm minh các sai phạm trong hoạt động báo chí.

Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, thực hiện chuyển đổi số báo chí.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Thông tin báo chí ngày càng đậm nét, có chiều sâu ảnh 2

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu đề dẫn. Ảnh: THANH TUYỀN

Dù vậy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho rằng công tác báo chí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn thực hiện kéo dài, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội. Một số Sở TT-TT chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, e dè, né tránh trong xử lý vi phạm hoạt động báo chí trên địa bàn…

Vai trò, trách nhiệm của nhiều cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí còn hạn chế, mờ nhạt; không có biện pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý khi cơ quan báo chí xảy ra vi phạm nghiêm trọng, kéo dài.

Thông tin tích cực, tiêu cực trên mặt báo vẫn chưa có sự cân đối. Tính định hướng, tính dẫn dắt của báo chí trong một số vụ việc, trường hợp cụ thể còn chậm, thiếu nhạy bén.

Khắc phục tình trạng "báo hóa" nghị quyết

Phó Trưởng ban tuyên giáo Trung ương gợi mở, hội nghị cần bàn sâu cách thức đưa tin sinh động, phong phú trong việc truyền đạt các nghị quyết, tránh tình trạng “báo hóa” nghị quyết để người đọc, người xem dễ tiếp cận, dễ tiếp thu, dễ hiểu.

Trong thời đại hiện nay, ông Lâm cho rằng việc chuyển đổi số báo chí là một xu hướng tất yếu, nếu không có những quyết tâm thay đổi mạnh mẽ về phương thức làm báo hiện đại sẽ bị tụt hậu.

“Nhưng làm thế nào để chuyển đổi số báo chí thành công không phải là điều dễ dàng. Từ nhận thức đến hành động thực tiễn là cả một quá trình đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan báo chí”- ông nhấn mạnh và yêu cầu các cơ quan báo chí tập trung vào các giải pháp chuyển đổi số.

Một vấn đề khác được ông Trần Thanh Lâm đề cập là việc liên kết trong hoạt động báo chí để tăng nguồn thu, huy động được các nguồn lực xã hội, tạo nên những sản phẩm báo chí thực sự chất lượng.

“Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động liên kết có những dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về báo chí. Không ít các cơ quan báo chí, do buông lỏng quản lý hoạt động liên kết, nên bị đối tác chi phối nội dung thông tin, lịch phát sóng; sản xuất và phát sóng, xuất bản nhiều sản phẩm báo chí thiếu tính định hướng, thiếu tính giáo dục và nhân văn. Đây là một biểu hiện của tư nhân hóa báo chí"- ông Trần Thanh Lâm nói.

Phó Trưởng ban tuyên giáo Trung ương nhìn nhận và đặt vấn đề làm thế nào để xử lý mối quan hệ giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị với đáp ứng nhu cầu độc giả, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, tăng nguồn thu nhưng vẫn đảm bảo việc quay lại đầu tư cho nội dung.

Năm 2022, công tác chấn chỉnh xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, đạt được những tín hiệu tích cực bước đầu.

Các cơ quan quản lý đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1.873 tỉ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với 2 cơ quan báo chí, thu hồi thẻ nhà báo đối với một tổng biên tập báo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm