TP.HCM đề xuất ‘khai tử’ xe chở hàng 4 bánh gắn động cơ

Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất UBND TP giao các đơn vị liên quan đánh giá chất lượng thực tế để làm cơ sở xem xét, đề xuất hạn chế, tiến tới ngừng sản xuất đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ.

Vào năm 2009, TP.HCM đã ban hành Quyết định 04/2009 hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người nghèo đang sử dụng xe thô sơ ba, bốn bánh tự chế. Từ đó, hàng ngàn người chạy ba gác ở TP.HCM đã được hỗ trợ chuyển sang mua loại xe chở hàng bốn bánh gắn động cơ (biển số 50TĐ) để mưu sinh.

Nhiều xe hết hạn kiểm định

Ông Nguyễn Võ Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông TP, cho biết xe bốn bánh có gắn động cơ được sản xuất từ năm 2009 để thí điểm theo đề án được Chính phủ phê duyệt nhằm thay thế xe thô sơ, xe ba gác. Tuy nhiên, đến nay nhiều phương tiện này đã hết thời hạn chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Theo ông Phúc, tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của hầu hết xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ khi vào kiểm định là rất kém. Các lỗi thường gặp là chủ phương tiện đã tự ý thay đổi kết cấu thùng xe, khung xe, động cơ xe.

Theo đại diện Trung tâm Đăng kiểm Việt Nam, các chủ phương tiện tự cơi nới thùng xe sẽ không đi kiểm định. Nếu không kiểm tra, kiểm soát kỹ thì người điều khiển phương tiện vẫn lưu thông bình thường. Khi các phương tiện này đã độ thùng xe to lên thì động cơ cũng phải tương xứng. Hiện phụ tùng để thay thế cho các xe này dường như không có nên nếu bị hỏng phải thay thế bằng phụ tùng khác thì khi vào kiểm định sẽ không đạt. Do vậy chủ phương tiện thà để đó chứ không đăng kiểm.

Về góc độ chuyên môn, đại diện trung tâm đăng kiểm cho hay quy trình kiểm định cho xe bốn bánh có gắn động cơ khác với quy trình kiểm định của ô tô đang lưu hành.

Còn về tiêu chuẩn kỹ thuật thì xe bốn bánh có gắn động cơ kiểm định khác về hệ thống cửa, đèn đuốc. Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ sẽ kiểm định theo Thông tư 16/2014 của Bộ GTVT, còn xe cơ giới đường bộ kiểm định theo Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn về quản lý động cơ và kiểm tra khí thải hai loại xe trên giống nhau.

Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ đậu trên đường Hoàng Sa (quận Tân Bình). Ảnh: THU TRINH

Chuyển đổi phải phù hợp với thực tế

Đánh giá của Sở GTVT TP cho rằng chất lượng của loại xe bốn bánh có gắn động cơ rất kém, nhanh xuống cấp, chủ phương tiện chưa ý thức về việc bảo dưỡng, sửa chữa khiến loại xe này không đảm bảo an toàn. Chưa kể các chủ phương tiện thường không có bằng lái phù hợp (bằng B2).

Ngoài ra, các loại xe trên được sử dụng thay thế cho xe ba bánh nên thường có thiết kế nhỏ gọn, dễ lưu thông trong những đường nhỏ. Vì có thiết kế đơn giản, phần lớn được các chủ phương tiện tự cơi nới thùng hàng hoặc thay thế các bộ phận mà không có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu chở hàng các loại xe này thường xuyên chở hàng cồng kềnh và chở quá tải trọng cho phép.

Theo Sở GTVT, nhu cầu sử dụng đối với loại xe có tải trọng nhỏ là có thật. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều loại xe có tải trọng tương đương nhưng có chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường tốt hơn và được các nhà sản xuất có uy tín cung cấp ra thị trường.

Về chính sách hỗ trợ chuyển đổi, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP, cho biết sở đã giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức hướng nghiệp, tạo việc làm, dạy nghề cho người mưu sinh bằng phương tiện này khi có nhu cầu chuyển đổi nghề để đảm bảo hỗ trợ cho người nghèo của TP.

Nói về đề xuất hạn chế và tiến tới ngừng sản xuất đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, ông Nguyễn Võ Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông TP, cho rằng việc thu hồi, cấm lưu thông loại xe này sẽ tác động đến mưu sinh của người dân.

Do vậy các sở, ngành có liên quan sẽ tiếp tục đánh giá một cách tổng quan về chính sách chuyển đổi, thu hồi phù hợp thực tế, tránh tác động ảnh hưởng đến người sử dụng.

Rút giấy phép cơ sở tự ý cơi nới, thay đổi kết cấu xe

Để tăng cường công tác quản lý, lưu hành của xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ trên địa bàn, Sở GTVT TP cũng đã đề xuất quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sửa chữa các loại phương tiện cơ giới trái quy định. Đồng thời yêu cầu các cơ sở này cam kết không tham gia thay đổi các hệ thống tổng thành, cơi nới, thay đổi kết cấu thùng xe nếu không có thiết kế được phê duyệt. Nếu vi phạm, các cơ sở này sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.

Sở GTVT cũng giao công an TP chủ trì, phối hợp với sở tăng cường công tác kiểm tra, xử lý về việc hạn chế và cấp phép ô tô chở hàng, ô tô tải lưu thông trong khu vực nội đô; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ có hành vi vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường khi lưu thông trên đường.

Hiện các xe đủ điều kiện vẫn được lưu thông, còn các xe không đủ điều kiện an toàn sau khi đăng kiểm sẽ cấm lưu thông theo quy định. Trường hợp chủ phương tiện cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt tùy lỗi.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ,
Sở GTVT TP.HCM
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm