TP.HCM đủ tiền đề phát triển kinh tế tập thể

Ngày 24-9, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 18-3-2002, hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định từ những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 13 có thể thấy TP.HCM có đầy đủ tiền đề để kinh tế tập thể phát triển hơn nếu được làm quyết liệt.

“Phát triển hiệu quả kinh tế tập thể đã góp phần giúp xã viên, người lao động có đời sống ổn định hơn, thu nhập ngày càng cao hơn” -  ông Nhân nói và yêu cầu để phát triển kinh tế tập thể phải có sự hợp lực của đơn vị quản lý chung, ngành kế hoạch - đầu tư và các sở chuyên ngành.

Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp có thể hình thành Liên hiệp hợp tác xã (HTX) nông nghiệp để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Do đó, ông Nhân yêu cầu từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp và Sở KH&ĐT có một chương trình vận động hình thành các HTX có hiệu quả cao, từ đó tập trung tháo gỡ những khó khăn trong phát triển HTX hiện nay. Đặc biệt phải bàn giải pháp phát triển HTX nhà ở để góp phần giải quyết chỗ ở cho người dân.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu UBND TP phân công cụ thể cho từng đơn vị chịu trách nhiệm giải quyết từng nội dung trong phát triển kinh tế tập thể ở từng lĩnh vực. “Sau hội nghị này, UBND TP giao các sở,  ngành và các HTX xây dựng 4-5 đề án phát triển HTX tại TP từ nay đến năm 2025, định hướng năm 2030, trong đó có các biện pháp giải quyết từng vấn đề cụ thể đang đặt ra” -  ông Nhân nói.

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13, kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX đã có sự thay đổi quan trọng khi chuyển hướng sang phục vụ phát triển kinh tế thành viên, theo đúng nguyên tắc HTX, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa mang ý nghĩa xã hội.

Tính đến hết năm 2018, số tổ hợp tác tại TP tăng từ 1.109 lên 2.097 tổ. Các tổ hợp tác hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực như trồng rau, làm bánh tráng, nuôi heo, trồng hoa lan… Số HTX tăng từ 341 lên 612, trong đó có 526 HTX đang hoạt động. Tổng giá trị tài sản HTX tăng từ 619 tỉ đồng lên 2.775 tỉ đồng (năm 2016).

Tuy nhiên, theo ông Liêm, một trong những khó khăn hiện nay là phần lớn các HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, khả năng tích lũy, phân chia lợi nhuận cho thành viên và tái đầu tư chưa cao. Đồng thời, các tổ hợp tác chưa mang lại hiệu quả cao. Nhiều HTX thiếu chiến lược kinh doanh, chậm đổi mới, chưa phát huy tốt tiềm năng phát triển, khả năng thích ứng, hội nhập còn nhiều hạn chế…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm