Ngày 17-12, TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 19 ngày 19-10-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện cuộc vận động “Người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”.
Đúng lòng dân thì dân sẽ hưởng ứng
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết với sự cam kết của 1,37 triệu hộ dân TP và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân thì kết quả sau một năm thực hiện chỉ thị là rất đáng trân trọng. Kết quả này làm tăng thêm niềm tin trong thời gian tới việc vận động người dân không xả rác sẽ còn khả quan hơn nữa. “TP.HCM đang trên đường trở thành một TP sạch và thân thiện với môi trường” - ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, rất nhiều năm qua, thực sự TP.HCM chưa sạch. Có lúc, có khu vực thì sạch nhưng tổng thể thì chưa sạch. “Trong khi chúng ta đặt vấn đề TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình và đang triển khai TP thông minh thì chúng ta phải chọn cái sạch là đầu tiên để triển khai. Cái sạch này gắn với mỗi gia đình, mỗi khu phố, mỗi ấp. Nếu làm tốt thì chính người dân được hưởng, đó là động lực để chúng ta tin cậy” - ông Nhân nói. Ông cũng cho rằng nếu làm đúng lòng dân thì người dân sẽ hưởng ứng.
Do đó, bài học mà Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân rút ra là nếu các cấp ủy chính quyền làm đúng lòng dân, chuẩn bị tốt, Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp cùng làm thì sẽ có được kết quả tốt.
Ông Nhân cho rằng một giải pháp cần phải tiếp tục làm quyết liệt là thực hiện 15 phút vệ sinh cuối tuần. “Hay như công thức 5+1, cứ năm hộ dân liên kết đảm nhận một phần đường trước khu nhà mình là sạch” - ông Nhân nói.
Nhóm bạn trẻ vẽ tranh làm đẹp cho các bức tường bẩn ở quận 1, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Chưa bao giờ việc vận động đạt kết quả cao như vậy
Còn về giải pháp lắp camera giám sát, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng chỗ nào cần giám sát thì phải lắp thêm camera. “Lần này lắp thêm được 21.900 camera giám sát toàn TP, đáng trân trọng. Có nơi chúng ta tiếp nhận thêm tin nhắn điện thoại, tiếp nhận 12.000 tin và hơn 90% là xử lý tốt, đây là những giải pháp phù hợp. TP cũng vận động được gần 90% tổ rác dân lập chuyển đổi hợp tác xã vào công ty” - ôngNhân nói.
Bí thư Thành ủy cũng nhận định rằng chưa bao giờ việc vận động đạt kết quả cao, đầy đủ giải pháp như bây giờ.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cũng đánh giá rằng cuộc vận động đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân. Dù còn nhiều khó khăn nhưng bước đầu cuộc vận động đã tạo được sự chuyển biến tích cực về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân TP. Đó là hạn chế xả rác ra đường và kênh rạch, tích cực tham gia xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường.
Theo ông Phong, thời gian qua TP đã triển khai nhiều đề án, dự án cải tạo môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm, tăng mảng xanh, cải tạo và chỉnh trang khu đô thị hiện hữu, xây dựng các khu đô thị mới, chuyển đổi công nghệ xử lý rác… Qua đó môi trường của TP đã từng bước được cải thiện. Tuy vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra thường xuyên và đáng báo động tại các khu dân cư, kênh rạch, công trường xây dựng và trên đường phố.
“Tình trạng này xuất phát từ ý thức xả rác của một bộ phận không nhỏ người dân TP chưa chuyển biến. Vấn nạn này cần phải xóa bỏ” - ông Phong nói. Ông mong muốn mỗi người dân TP cùng nhắc nhở nhau về ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường bằng những việc hằng ngày.
Nghiên cứu phạt lao động công ích khi xả rác bừa bãi Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá qua một năm thực hiện Chỉ thị 19, mặc dù đã có những kết quả rất tích cực nhưng rác thải vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi như miệng hố ga, cống thoát nước, lòng đường, vỉa hè, kênh rạch… Các địa phương chưa có biện pháp xử lý triệt để, hiệu quả. Tình trạng người dân xả rác, đổ nước thải, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường buôn bán gây mất mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường công cộng vẫn còn tồn tại. Những hạn chế này có nguyên do việc xử phạt hành vi xả rác thải chưa thực hiện mạnh mẽ, chưa thể hiện tính răn đe.
Từ đó ông Hoan cho biết trong thời gian tới TP sẽ tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động người dân không xả rác bừa bãi, giải quyết dứt điểm các điểm ô nhiễm về rác thải, duy trì chất lượng vệ sinh môi trường tại các khu vực đã được giải quyết. TP sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về môi trường, xử lý hành vi vi phạm vệ sinh nơi công cộng. Trong đó, TP sẽ nghiên cứu các giải pháp tăng cường xử phạt làm cơ sở cho các địa phương thực hiện, đặc biệt là nghiên cứu, đề xuất áp dụng hình phạt lao động công ích đối với các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng. Những con số ấn tượng 48 tỉ đồng là con số tiền phạt đối với 6.717 trường hợp vi phạm bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính. 2.744 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, môi trường đã được nhắc nhở. 11.953 ý kiến phản ánh của người dân đối với các hành vi vi phạm về môi trường, đô thị đã được các quận/huyện tiếp nhận và giải quyết. (Báo cáo sau một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 19) |