Chiều 11-5, Thành ủy TPHCM đã tổ chức sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy chủ trì hội nghị.
Ông Nguyễn Thiện Nhân xem triển lãm các mô hình bảo vệ môi trường. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho biết: Chỉ thị bước đầu đã tạo được nhận thức của người dân, doanh nghiệp về việc giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh mội trường.
Tình trạng tập kết rác, vứt rác bừa bãi có giảm ở một số quận, huyện…. "Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân còn xả rác, lần chiếm vỉa hè,... ý thức người dân còn kém, công tác quản lý nhà nước còn buông lỏng…”, ông nói.
Còn ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng ban Dân vận Thành ủy cho hay Chỉ thị 19 tuy chỉ được thực hiện trong 6 tháng nhưng đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân; thúc đẩy trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị trong bảo vệ môi trường.
Từ đó, ý thức và trách nhiệm của người dân tăng lên, không còn xả rác ra đường và kênh rạch bừa bãi.
Tuy nhiên ông cho rằng nhận thức về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cuộc vận động của một số cấp ủy, chính quyền, nhất là của người đứng đầu chưa đầy đủ, toàn diện nên việc lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, đồng bộ, chưa đảm bảo yêu cầu đề ra. "Công tác triển khai thực hiện tại một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên liên tục, hoặc có thực hiện nhưng mang nặng về hình thức...", ông Hiệp nói.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong 6 tháng các đơn vị, tổ chức đã xóa được 277 điểm trong tổng số 369 điểm đen về rác thải. “Đây là kết quả khá tốt, có thể đo đếm được. Tuy nhiên, sau khi xóa được điểm đen thì các địa phương, đơn vị có giữ được không?” – ông Nhân đặt vấn đề.
Theo ông Nhân, khi xóa được điểm đen về rác thì cần nâng cấp bằng cách trồng cây xanh, biến điểm đen thành điểm xanh có tác dụng phục vụ lợi ích chung của cộng đồng.
Đối với 92 điểm đen về rác chưa xóa được, ông yêu cầu các địa phương cần xác định thời hạn để xóa bỏ.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cũng cho rằng, cuộc vận động người dân không xả rác ra đường, kênh rạch này chính là đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. “Nghèo nhưng vẫn có thể sạch hơn, chứ không phải nghèo là dơ, nên TP tập trung thực hiện cuộc vận động trong 2 năm” – ông Nhân nói.
Theo ông, Ban Thường vụ Thành ủy chọn vấn đề này để thực hiện cuộc vận động trong hai năm, trước mắt là để TP sạch hơn, còn dài hạn là rà lại khả năng tập hợp, tổ chức quần chúng thực hiện các phong trào để thay đổi hành vi mà ai cũng thấy là cần thiết. Kết quả phải được người dân công nhận và chính người dân tham gia để làm điều đó.
Ông Nhân cho biết, chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các địa phương phối hợp với MTTQ công nhận khu phố không xả rác, như là một trong các tiêu chí để công nhận khu phố văn hóa.
Cuối cùng, ông đặt câu hỏi: Việc chụp ảnh, ghi hình người xả rác để xử phạt đã làm được chưa? Sự giám sát của HĐND TP về bảo vệ môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn dân cư thời gian qua đã giám sát tới đâu?