Sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, đến nay UBND 24 quận, huyện đã chuyển hóa được 517/600 điểm ô nhiễm về rác thải và còn 83 điểm đang tiếp tục triển khai.
Với 517 điểm ô nhiễm về rác thải đã được giải quyết thì có 65 điểm đã được chuyển hóa thành khu vực sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên.
Những vườn xanh mọc lên từ bãi rác
Việc chuyển hóa từ những điểm đen về rác thành nơi sinh hoạt cộng đồng thật sự là một điểm nhấn trong cuộc vận động của các địa phương. Để thực hiện thành công với mô hình này là sự nỗ lực, chung tay của cả chính quyền và người dân.
Khu vực trước cổng Trường THCS Long Trường (quận 9) trước đây là một bãi rác tự phát với diện tích khu đất rộng hơn 600 m2. Trước tình trạng trên, phường đã giao cho lực lượng đoàn thanh niên phường phối hợp với các bạn chiến sĩ tình nguyện Chiến dịch mùa hè xanh thực hiện mô hình “Cải tạo bãi rác tự phát thành sân vui chơi cho thiếu nhi”. Để thực hiện công trình, trước hết đoàn thanh niên đã phải thu gom hơn một tấn rác rồi bê tông hóa khu vực này, xây dựng các bồn hoa từ vỏ bánh xe với nhiều màu sắc hình dáng khác nhau, trồng cây xanh, trang bị thêm nhiều thùng rác, máy tập thể dục, sân chơi cho thiếu nhi.
Tương tự, ở cuối hẻm 2273 Phạm Thế Hiển, khu phố 6, phường 6, quận 8, trước đây là khu đất trống nằm phía sau Trường Tiểu học Bùi Minh Trực. Do đây là đoạn hẻm không có nhà dân ở, một số người dân thiếu ý thức vứt rác thải nên dù có thường xuyên thực hiện tổng vệ sinh nhưng tình trạng ô nhiễm cứ tái diễn.
Vì thế, các cấp chính quyền địa phương cùng Hội đồng mục vụ Giáo xứ Bình An, Bình Thái và người dân quyết tâm xóa bãi rác. Họ cùng góp công sức, tiền của để tổng vệ sinh khu vực này, trồng nhiều cây xanh để nơi đây giờ đã là một vườn hoa.
Rạch Chín Xiểng đoạn chảy qua tổ 88, 89, khu phố 13, phường 5, quận Gò Vấp, trước đây được người dân địa phương gọi là kênh rác. Rác từ chợ tự phát, xà bần từ nơi khác đổ về, rác từ người đi đường tiện tay vứt xuống… đã khiến con rạch trở nên nhếch nhác, ô nhiễm.
Thế nhưng giờ đây, tình trạng rác thải không còn mà thay vào đó là những hàng cây xanh, bờ hoa mười giờ đỏ rực, dòng chảy đang dần từng bước hồi sinh…
Một bãi rác ô nhiễm trên địa bàn phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM đã được hoán cải thành khu vui chơi cho người dân. Ảnh: ĐÀO TRANG
Kênh Chín Xiểng trước đây ngập rác nay đã được thay thế bằng dải cây xanh và hoa mười giờ. Ảnh: N.HIỀN
“Đường đẹp ai nỡ xả rác”
Trong cuộc vận động không xả rác theo Chỉ thị 19, một cái được lớn nữa là đã góp phần thay đổi ý thức của người dân về bảo vệ môi trường sống quanh mình.
Ông Nguyễn Kiên Trung, Phó Chủ tịch UBND phường 5, quận Gò Vấp: “Để dẹp nạn xả rác bừa bãi thành công thì phải thay đổi cách suy nghĩ và thói quen của người dân. Ví dụ, trước đây đoạn rạch Chín Xiểng rác thải ngập kênh nhưng sau khi chính quyền có đợt ra quân dọn dẹp, trồng hoa thì bờ kè trở nên rất đẹp. Người dân nơi đây tự đặt những thùng xốp để bỏ rác vào. Đồng thời chính người dân cũng tự giữ vệ sinh đoạn trước nhà mình, nếu ai có ý định xả rác thì họ nhắc ngay”.
Bà Nguyễn Thị Hà, người dân sống gần rạch Chín Xiểng, phường 5, quận Gò Vấp, cũng cho biết: “Từ khi có đường hoa này, ý thức người dân cao hơn và chúng tôi quyết giữ con đường này đẹp hơn. Đường đẹp như thế này ai mà nỡ xả rác, nếu có ai lỡ tiện tay vứt rác là chúng tôi cự ngay”.
Còn tại phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú), ông Trần Thới Đông, Phó Chủ tịch UBND phường, cho biết từ khi thực hiện cuộc vận động không xả rác thì điều nhận thấy rõ nhất là ý thức của người dân được nâng cao hơn.
“Hiện nay trên địa bàn phường một số điểm đen về rác thải đã giảm đi rất nhiều, bởi những người dân xung quanh rất có ý thức và sẵn sàng lên tiếng đối với những cá nhân ý thức kém. Cụ thể, ở phường có một số người tuần nào cũng tổ chức quét dọn, gom rác ở công viên, nơi công cộng. Ngoài ra, tại những vỉa hè, người dân trong khu vực khi thấy rác cũng tự động quét sạch sẽ” - vị lãnh đạo phường nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết Sở TN&MT đang tổng kết kết quả thực hiện cuộc vận động này để trình lên lãnh đạo TP. Theo đánh giá ban đầu của sở thì cuộc vận động đã có những chuyển biến tích cực.
Những con số ấn tượng Dưới đây là những con số ấn tượng sau một năm thực hiện theo Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về cuộc vận động người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch. - Chuyển hóa được 517/600 điểm ô nhiễm về rác thải, còn 83 điểm đang tiếp tục triển khai. - Trang bị được 32.893 thùng rác trên các tuyến đường và tuyến hẻm trên địa bàn. - Nhắc nhở 1.385 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4.675 trường hợp với số tiền phạt khoảng 43.720.000 đồng. - Tiến hành khảo sát và lắp đặt 8.316 camera an ninh kết hợp với giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường đô thị. |