Người dân mong gắn camera, xử phạt người xả rác

Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng loạt bài Những dòng kênh kêu cứu vì rác”, nhiều bạn đọc đã phản ánh bức xúc khi phải chứng kiến nạn xả rác bừa bãi, cung cấp thêm thông tin và hình ảnh về các bãi rác tự phát. Qua đó người dân và chính quyền cùng đưa ra cách làm hiệu quả để mạnh tay dẹp nạn xả rác bừa bãi.

Phải bắt buộc đóng tiền rác hằng tháng

Đã có rất nhiều giải pháp ngăn chặn xả rác xuống kênh được các địa phương thực hiện từ việc cử người tuần tra 24/24 giờ, hay lập trạm kiểm soát, gắn biển cảnh báo,… Tuy nhiên, những giải pháp này ít hiệu quả. Theo tôi, để giảm tình trạng thải rác xuống kênh thì chính quyền nên yêu cầu người dân khu vực cứ đóng tiền thu gom rác hằng tháng, lúc ấy họ sẽ đổ rác đúng nơi. Nếu mọi người trong khu vực có ý thức bảo vệ kênh rạch thì dân tứ xứ cũng chả dám xả rác tại nơi sạch sẽ đâu.

Bạn đọc HOÀNG THIÊN VƯƠNG (Quận 8, TP.HCM)

Gắn thêm camera

Chính quyền cần lắp đặt thêm các camera giám sát trên đường phố, các tuyến kênh rạch để tăng hiệu quả việc xử phạt và răn đe người dân. Phải phạt thật nghiêm thì họ mới sợ. Mặt khác, chính quyền địa phương nên quan tâm cải tạo các điểm đen về rác. Tôi thấy có rất nhiều phường, quận đã biến các bãi rác hôi thối thành vườn hoa, khu vui chơi. Những mô hình này vừa tăng tính mỹ quan đô thị, vừa xóa bỏ các bãi rác lâu đời, do đó cần được nhân rộng.

Bạn đọc NGUYỄN KHOA (Phường 13, quận Bình Thạnh)

Tuyến bài “Những dòng kênh kêu cứu vì rác” nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc.

Lập rào chắn trên bờ, hạn chế ghe cập bến buôn bán

Rác thải ở sông Kênh Tẻ đã tồn tại hơn 10 năm nay. Nguyên nhân chính cũng do ý thức người dân kém, hầu hết rác thải từ những hộ buôn bán trên sông thải xuống. Trong quá trình giải quyết, phường đã gặp một số hạn chế do phường chỉ có thẩm quyền xử phạt đối với những trường hợp xả rác ở trên bờ. Với những trường hợp xả rác ở dưới sông do các đơn vị khác như thanh tra giao thông, CSGT đường thủy… xử lý. Công tác phối hợp giữa phường với các đơn vị trên để xử lý những hộ buôn bán trên sông vẫn chưa được thực hiện tốt.

Phường cũng đang lên kế hoạch gia cố lại hàng rào chắn trên bờ kè. Khi có rào chắn, các tiểu thương không cập bến được thì tình trạng buôn bán tự phát sẽ giảm và rác thải xuống kênh sẽ được hạn chế rất nhiều.

Ông TRẦN QUANG QUỲNH, Phó Chủ tịch UBND
phường Tân Thuận Tây, quận 7

Yêu cầu dân viết cam kết không xả rác

Một trong những giải pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu tình trạng xả rác là gắn camera quan sát và yêu cầu người dân viết cam kết không xả bừa bãi. Trong nội dung mà người dân viết cam kết thì người dân phải thực hiện được hai việc, một là không xả rác, hai là phải kịp thời phát hiện những người có hành vi xả rác và báo ngay cho chính quyền địa phương xuống xử lý.

Ông NGUYỄN KIÊN TRUNG, Phó Chủ tịch UBND phường 5, quận Gò Vấp

Rác đổ bậy gây ô nhiễm khắp nơi

Nhiều bạn đọc gửi về báo các hình ảnh đường phố ô nhiễm vì rác đổ bậy, chúng tôi trích dẫn một vài hình ảnh dưới đây.

Đoạn đường thường xuyên ô nhiễm vì rác thải đổ trộm!

Trên đường Lê Văn Chí, một đoạn bên lề tường rào ngay sát cổng sau của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (thuộc địa bàn phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM) từ nhiều năm nay luôn trong tình trạng ô nhiễm vì có rất nhiều đống rác của những người thiếu ý thức mang tới đổ trộm. Khu vực này thực sự là điểm đen của vấn nạn rác thải đổ trộm. Tổ vệ sinh dọn sạch được vài ba bữa là trên lề đường lại xuất hiện những đống rác đổ trộm khác ngổn ngang, gây ô nhiễm...

Người dân mong gắn camera, xử phạt người xả rác ảnh 2

Cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay đối với những người xả rác vô ý thức, sống thiếu trách nhiệm với môi trường và cộng đồng.

Bạn đọc NGUYỄN LONG, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM

Vô tư đổ rác sai chỗ

Trước cổng Bến xe Chợ Lớn (quận 6, TP.HCM) có một khoảng đất trống. Người dân buôn bán quanh khu vực thường mang rác đến đây đổ vô tội vạ, dù đây không phải là nơi tập kết rác. Điều này làm cho trước cổng bến xe ô nhiễm, kém văn hóa. Nhất là vào lúc trời dứt mưa, ở những chỗ trũng đọng lại nước, hòa vào rác, hôi thối kinh khủng. Tình trạng này đã xảy ra nhiều năm liền nhưng không được xử lý triệt để. Có một thời gian, trước cổng số 2 Bến xe Chợ Lớn được dọn sẹp sạch sẽ khi cơ quan chức năng vào cuộc nhưng sau đó xả rác vẫn tiếp diễn.

Người dân mong gắn camera, xử phạt người xả rác ảnh 3

Người dân kính đề nghị cơ quan chức năng đặt biển cấm đổ rác, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vô tư đổ rác sai chỗ để chấm dứt tình trạng này. 

Bạn đọc NGUYỄN HOÀNG DUY, quận 6, TP.HCM 

Tôi đi vận động không đổ rác còn bị chửi

UBND phường An Phú Đông (quận 12) và ban vận động khu phố 1 đã nỗ lực lắp đặt thùng rác, rào lưới B40 dọc tuyến kênh Sáu Sửu để ngăn chặn hành vi đổ rác lén; vận động người dân không xả rác bừa bãi, đổ rác lén xuống kênh rạch. Tuy nhiên, tình trạng đổ rác lén tại kênh Sáu Sửu vẫn còn là vấn đề nhức nhối của phường và gây bức xúc lớn cho người dân. Nhiều lần vận động người dân và tiểu thương, tôi nhận được các lời nói rất khó nghe từ một bộ phận người dân thiếu ý thức, họ thách thức tôi “xuống đây mà canh, mà giữ rác!”.

Bà PHẠM THỊ MƯỜI, trưởng văn phòng khu phố 1, 
phường An Phú Đông, quận 12

Tôi bị dọa đánh khi nhắc đừng đổ rác bậy

Rạch Sáu Sửu đầy rác do người dân, người buôn bán cứ canh lúc đêm khuya là đổ lén xuống lòng kênh, họ còn vứt cả trên vỉa hè. Nhiều lần tôi thấy người khác đổ rác lén, tôi đến nhắc nhở còn bị chửi, bị dọa đánh. Nếu người dân không vứt, đổ rác bừa bãi xuống kênh rạch thì làm sao có những dòng kênh ngập trong rác, những bãi rác chất đống trên đường, vỉa hè.

 Anh NGUYỄN MINH TRÍ, phường An Phú Đông, quận 12 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm