Những dòng kênh kêu cứu vì rác - Bài 3:

Thưởng nóng, biến rác thành hoa

Có những con kênh từng là điểm đen ngập rác nay đã sạch xanh, trong lành trở lại từ những sáng kiến của người dân và chính quyền địa phương.

Bãi rác thành đường hoa

Rạch Chín Xiểng đoạn chảy qua tổ 88, 89, khu phố 13, phường 5, quận Gò Vấp, trước đây được người dân địa phương gọi là “kênh rác”. Rác từ chợ tự phát, xà bần từ nơi khác đổ về, rác từ người đi đường tiện tay vứt xuống… đã khiến con rạch trở nên nhếch nhác, ô nhiễm.

Thế nhưng hơn một năm trở lại đây, tình trạng rác thải không còn mà thay vào đó là những hàng cây xanh, bờ hoa mười giờ đỏ rực, dòng chảy đang dần từng bước hồi sinh.

Chú Lê Xuân Khương, một người dân sống trong khu vực này, cho biết: “Trước đây, người ta đổ rác ở bờ kè và tràn cả xuống kênh. Từ khi phường dẹp được chợ tự phát, dọn hết rác, sau đó khu phố vận động người dân trồng hoa, cây xanh xung quanh thì mới hình thành đường hoa như hôm nay. Khi cảnh quan xung quanh sạch đẹp thì người ta không nỡ đổ rác bừa nữa. Trước đây, mọi người đi ngang con đường này phải bịt mũi chạy cho nhanh, giờ thì có thể thong thả ngắm cây cỏ ven kênh”.

Ông Nguyễn Kiên Trung, Phó Chủ tịch UBND phường 5, quận Gò Vấp, cho biết: “Việc dọn dẹp vệ sinh ở kênh Chín Xiểng là thường xuyên nhưng làm thế nào để không xảy ra tình trạng ô nhiễm mới là những trăn trở của chính quyền. Với những gợi ý của bà con trong khu phố, phường và cả người dân bắt tay dọn rác, trồng hoa trên bờ kênh để tạo cảnh quan đẹp. Khi chính quyền và người dân cùng đồng lòng dọn dẹp, tạo hình ảnh đẹp cho bờ kè kênh thì nạn đổ rác cũng giảm đi rõ rệt”.

Cũng với mô hình tạo cảnh quan xung quanh dòng kênh để trị nạn đổ rác, đoạn kênh Bến Cát - Tham Lương ở phường 14, quận Gò Vấp đã có một kết quả rất khả quan.

Dọc theo đoạn kênh Bến Cát - Tham Lương thuộc địa bàn phường, nếu như trước kia chỉ toàn rác nổi lềnh bềnh dưới dòng kênh thì giờ đây hình ảnh ấy không còn. Toàn bộ bờ kè của kênh hiện nay đã được trồng cây xanh tạo cảnh quan rất đẹp mắt.

Anh Nguyễn Quang Tuân, ở đường Phan Huy Ích, phường 14, quận Gò Vấp, phấn khởi khoe: “Từ khi quận có chủ trương tạo cảnh quan bờ kè để bảo vệ dòng kênh, tôi đã chủ động xin phường cho đặt cây cảnh ở bờ kè để mở rộng kinh doanh. Việc để cây cảnh ở đây tôi sẽ không tốn tiền thuê mặt bằng và trách nhiệm của tôi là bảo vệ cho khu vực không có rác. Việc làm này rất hay, vừa lợi cho dân và giúp Nhà nước trong việc bảo vệ môi trường”.

Kênh Chín Xiểng được thay mới bằng đường hoa, cây xanh. (Ảnh chụp ngày 2-10-2019)

Kênh Chín Xiểng đầy rác trước đây. (Ảnh chụp từ tháng 9-2018)

Bà Nguyễn Hà Mỹ Dung, Chủ tịch phường Sơn Kỳ, trao thưởng cho người dân phát hiện người đổ rác bừa bãi. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Tăng trách nhiệm cho dân bằng cách treo thưởng

Khen thưởng bằng tiền mặt cho những người phát hiện có trường hợp nào chuẩn bị và đang đổ rác là cách làm mang lại hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú.

Ông Trần Thới Đông, Phó Chủ tịch UBND phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, cho biết: Trong năm 2016, UBND phường đã kêu gọi người dân mạnh dạn trình báo khi phát hiện có đối tượng xả rác bừa bãi. Người dân nào trình báo và xử phạt được người xả rác bậy, phường thưởng nóng 500.000 đồng/vụ.

600 là con số điểm đen về ô nhiễm do rác thải trên toàn địa bàn TP. Thông qua cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”, đến thời điểm này các quận, huyện đã xóa được 517 điểm, còn 83 điểm đang tiếp tục thực hiện xóa bỏ trong thời gian tới. Đặc biệt, trong số những điểm được xóa có 65 điểm được chuyển hóa thành khu vực sinh hoạt cộng đồng như công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao… 

Thông thường những người đổ rác trước khi thực hiện hành vi sẽ đi rảo trước, khi thấy không có ai mới đổ. Vì thế khi các lực lượng tuần tra sẽ rất khó thể bắt tận tay và xử phạt được. Thế nên việc người dân tham gia giám sát, phát hiện kịp thời người có hành vi vi phạm là rất cần thiết.

Đầu tiên, khi người dân phát hiện có người xả rác thì giữ người đó lại và gọi điện thoại báo lên phường. Cán bộ phường sẽ đến lập biên bản, xử phạt theo đúng quy định, sau đó sẽ trao thưởng cho người trình báo. Kinh phí để trao thưởng do phường tự vận động doanh nghiệp trên địa bàn chứ không lấy từ ngân sách nhà nước.

“Dù số tiền thưởng không nhiều nhưng có tác động rất lớn giúp người dân trên địa bàn có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường. Thông qua việc người dân cùng chung tay giám sát, phát hiện người đổ rác trộm đã tạo ra sự gắn kết giữa chính quyền địa phương và người dân trong việc bảo vệ môi trường sống xung quanh mình” - ông Đông nhìn nhận.

Tìm ra người đổ rác để buộc ký hợp đồng gom rác

Kênh Nước Đen và kênh 19/5 ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, từ lâu được biết đến là điểm đen chứa những loại rác như vải vụn, xà bần từ những công ty, cơ sở gia công may mặc, giày dép nhỏ lẻ thải xuống.

Ngoài công tác tuyên truyền, vận động người dân không đổ rác xuống kênh, phường đã gắn camera để phát hiện, xử phạt hành vi đổ rác xuống kênh.

Cạnh đó, khi xem camera, cán bộ thấy được biển số xe và người đổ rác để truy tìm và xác định nguồn rác từ đâu. Từ đó, phường yêu cầu chủ nguồn rác là các cơ sở kinh doanh mặt hàng trên phải ký hợp đồng với một đơn vị thu gom rác.

Đồng thời, phường đã gửi công văn đến các phường lân cận để vận động các cơ sở khác cùng thực hiện. Với cách làm này, phường đã giảm hẳn tình trạng rác thải xuống kênh.

Ông LÊ MINH HIẾUPhó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa,
quận Bình Tân
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm