Rất nhiều kênh rạch ở TP.HCM ngày càng chết dần chết mòn vì rác thải, dù chính quyền địa phương và người dân tại chỗ đang nỗ lực để tái phục hồi những dòng kênh xanh.
Mấy người xả rác bậy hung dữ lắm
Chị Nguyễn Thị Lan, một người dân đang sống ngay bờ kè ở rạch Xuyên Tâm (phường 15, quận Bình Thạnh) cho biết: “Gia đình tôi bị ảnh hưởng từ rác ở kênh này kinh khủng nhất. Thức, ngủ gì cũng phải ngửi mùi hôi thối. Nhiều hôm, cứ hễ thức giấc buổi sáng là tôi thấy cả đống rác to đùng ngay mép sông cạnh nhà, tức điên người!”.
“Quyết tâm bắt cho bằng được, tôi đã thức đến 2-3 giờ sáng để canh và bắt quả tang một người chạy xe ba gác lén đến đổ rác xuống kênh. Tôi ra nói: “Anh không được đổ rác xuống kênh như vậy” thì thật bất ngờ khi bị ông ta chửi té tát vào mặt: “Kênh này của bà hả, rảnh quá, tránh ra, không tôi đổ ngay trước nhà bà bây giờ”. Tôi phận đàn bà, anh ta thì quá dữ nên tôi chỉ biết chịu thua thôi” - chị Lan nói.
Anh Hồ Quang Trường (hẻm 19 An Phú Đông, phường An Phú Đông, quận 12) cũng bức xúc không kém: “Người dân trong khu phố thường xuyên canh bắt người đổ rác trộm xuống kênh, khi phát hiện có người đổ rác trộm thì báo ngay cho phường xuống xử lý. Mà những người đổ trộm rác hung dữ lắm, chúng tôi phải đi nhiều người mới giữ được tang vật là xe rác. Có hôm những người đổ rác còn dọa đánh chúng tôi”.
Người dân phải bịt mũi mỗi khi đi ngang đoạn kênh Bến Cát - Tham Lương, khu phố 2, phường Bình hưng Hòa, quận Bình tân, TP.HCM. Ảnh: MINH TÂM
Một người dân sinh sống tại kênh Sáu Sửu (quận 12, TP.HCM) cho biết từng bị dọa đánh khi nhắc nhở người đổ rác lén. Ảnh: K.THƯ
Rác thải chặn kín dòng sông Kênh Tẻ, quận 7, TP.HCM. Ảnh: KIỀU THƯ
Dùng nhiều cách vẫn chưa hiệu quả
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hải Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú Đông, quận 12, cho biết tuyến kênh APĐ01, hay còn gọi là rạch Sáu Sửu, hiện nay đang là điểm đen rác thải nhức nhối của địa phương. Phường cũng đã áp dụng nhiều biện pháp để xóa điểm đen rác này.
Cụ thể, phường đã tổ chức rào chắn tuyến rạch để hạn chế người dân vứt rác xuống rạch; bố trí các thùng chứa rác dọc theo tuyến rạch để người dân bỏ rác; treo băng rôn tuyên truyền người dân không xả rác ra đường, sông, kênh rạch.
Thậm chí phường còn xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thông qua hệ thống camera được lắp đặt tại khu vực này; tổ chức tuyên dương, khen thưởng đối với các cá nhân phát hiện và báo cho phường kịp thời để xử lý vi phạm… Tuy nhiên, những biện pháp này chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng xả rác xuống kênh do ý thức một bộ phận người dân còn quá kém.
Lý giải vì sao rạch Xuyên Tâm luôn bị ứ đọng về rác, ông Nguyễn Huy Nghị, Phó Chủ tịch UBND phường 15, quận Bình Thạnh, cho biết phường cũng đã dùng đủ mọi cách để hạn chế lượng rác ở kênh. Tuy nhiên, việc xả rác xuất phát từ ý thức của người dân còn kém, phường đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân địa phương cùng chính quyền tự thu gom rác tại nơi mình sinh sống. Đồng thời, phường đã trao tặng hơn 600 thùng rác cho các hộ dân ở đây, giải tỏa nhà vệ sinh có ống thải trực tiếp ra kênh rạch. Đây là một số giải pháp tạm trong khi chờ dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm thực hiện. Khi dự án này hoàn thành thì rạch Xuyên Tâm mới hồi sinh được.
Có thùng rác nhưng không xài
Dọc tuyến kênh Sáu Sửu, chính quyền đã lắp đặt những thùng rác mới nhưng người dân vẫn đổ rác lén xuống kênh hoặc bỏ rác ngoài thùng như thế này (ảnh). |