Về vấn đề TP.HCM cần thực hiện các quy hoạch như thế nào, UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Thường trực Ủy ban Kinh tế, Quốc hội khóa XV giải thích thêm.
TP.HCM vẫn cần cả 2 quy hoạch
Đối với các ý kiến liên quan sự cần thiết của việc TP trực thuộc trung ương (như TP.HCM) phải lập 2 loại quy hoạch (quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung), TP.HCM đã có ý kiến giải thích rõ.
“Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị (được sửa đổi bổ sung bởi khoản 3 Điều 29 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch) thì Quy hoạch chung TP trực thuộc trung ương cụ thể hóa quy hoạch tỉnh được lập ở TP trực thuộc trung ương về tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở” - văn bản của UBND TP nêu.
Về bản chất thì quy hoạch tỉnh là cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Trong khi đó, quy hoạch chung đô thị là việc tổ chức không gian, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội cho một đô thị.
Về mức độ thì quy hoạch tỉnh không đi vào không gian vật thể chi tiết; còn quy hoạch chung đô thị tập trung vào không gian có vật thể chi tiết như dân số, mật độ dân, tọa độ, cao độ, tuyến đường, ranh giới.
Quy hoạch tỉnh không có hệ thống quy hoạch chuẩn, tiêu chuẩn riêng nhưng quy hoạch chung đô thị thì có.
Quy hoạch tỉnh bám sát các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, phúc lợi xã hội, còn quy hoạch chung đô thị bám vào chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật tương ứng các loại đô thị, phân cấp đô thị...
“Do đó, TP.HCM thống nhất tiếp tục lập Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch chung đô thị đối với TP trực thuộc trung ương" - UBND TP bảo vệ quan điểm.
Thời kỳ quy hoạch không còn là vướng mắc
Ngoài việc cần có cả 2 quy hoạch, UBND TP cho biết trong quá trình lập 2 quy hoạch có một số nội dung còn vướng mắc, chưa thống nhất. Các nội dung này đã được UBND TP chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch phối hợp để đảm bảo sự đồng bộ giữa 2 quy hoạch.
Vướng mắc chủ yếu là về thời kỳ lập quy hoạch, quy hoạch TP (cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP (đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060).
Qua rà soát, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ hơn thời hạn quy hoạch chung đô thị và nông thôn được phân kỳ theo các giai đoạn phù hợp với thời kỳ quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch (khoản 10 Điều 6). Do đó, về cơ bản đã giải quyết được vướng mắc chủ yếu về thời kỳ (thời hạn) lập 2 quy hoạch này.
Uỷ ban nhân dân TP.HCM
Trước đó, góp ý cho dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, ông Hoàng Minh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TP.HCM cho rằng quy hoạch kinh tế xã hội và quy hoạch chung của TP.HCM hiện nay ngay cả niên hạn nghiên cứu cũng không giống nhau.
“Chúng tôi đã góp ý về vấn đề này, làm sao tiết kiệm kinh phí cho TP bởi 2 quy hoạch hiện nay đang chỏi nhau” - ông Trí nói.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM cũng cho rằng nếu muốn làm quy hoạch chung thì phải làm nghiên cứu kinh tế xã hội trước, trong quy hoạch kinh tế xã hội cũng phải có định hướng không gian. Vì vậy TP trực thuộc trung ương thì chỉ cần một quy hoạch chung là đủ.
UBND TP cho biết hiện nay TP đã trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh (Bộ KH&ĐT là cơ quan thường trực) để rà soát hồ sơ sau khi đã tiếp thu, giải trình theo báo cáo thẩm định quy hoạch.
Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM và Đồ án Quy hoạch chung TP Thủ Đức cũng đã trình Bộ Xây dựng để tổ chức thẩm định.