TP.HCM giám sát người từ vùng có dịch virus Nipah

(PLO)- Virus Nipah (NiV) lây truyền từ động vật sang người, từ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc lây truyền trực tiếp giữa người với người.

Ngày 28-9, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết virus Nipah đang lây lan tại bang Kerala miền nam Ấn Độ. Bệnh chưa ghi nhận tại Việt Nam song ngành y tế tiếp tục tổ chức giám sát các trường hợp đi về từ vùng dịch.

Hiện HCDC vẫn thực hiện giám sát 24/24 người nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng hải TP.HCM để phát hiện sớm các trường hợp sốt hoặc có dấu hiệu nghi ngờ bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhằm cách ly, xử trí kịp thời. Trong đó, tăng cường giám sát người nhập cảnh từ các vùng đang bùng phát dịch.

HCDC cũng lưu ý hành khách đi về từ vùng dịch, nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như: sốt, nhức đầu từ 3-14 ngày cùng với các dấu hiệu hô hấp (ho, đau họng và khó thở) cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Trong tuần qua, đợt bùng phát virus Nipah tại bang Kerala miền nam Ấn Độ, có 6 ca nhiễm virus, trong đó có 2 ca tử vong, 1 ca thở máy là bệnh nhân nam 9 tuổi. Hơn 700 người bao gồm cả nhân viên y tế đã được xét nghiệm.

Theo đó, chính quyền tiểu bang thuộc Ấn Độ đã thực hiện các bước khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự lây truyền của virus Nipah như đóng cửa một số trường học, văn phòng và mạng lưới giao thông công cộng.

Trước đây,trên thế giới đã từng xảy ra nhiều đợt dịch do virus Nipah. Malaysia và Singapore là hai quốc gia ghi nhận đợt bùng phát đầu tiên của virus Nipah vào những năm 1998-1999 khiến 105 người tử vong (96 người ở Malaysia và 9 người ở Singapore).

Tại Ấn Độ, đợt bùng phát virus Nipah này là đợt bùng phát thứ tư tại Kerala trong vòng 5 năm, đợt gần đây nhất là vào năm 2021.

Theo CDC Hoa Kỳ, mặc dù những đợt bùng phát như vậy thường ảnh hưởng đến một khu vực địa lý tương đối nhỏ nhưng có tỷ lệ tử vong cao (40-75% tùy thuộc vào chủng) và sự lây lan ngày càng tăng giữa người với người có thể dẫn đến sự biến đổi của virus.

Hiện nay, bệnh do virus Nipah gây ra chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu.

Virus Nipah là gì?

Virus Nipah là một loại vi rút lây truyền từ động vật sang người, từ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc lây truyền trực tiếp giữa người với người.

Ở người nhiễm, nó có thể gây ra các hậu quả từ nhiễm trùng không có triệu chứng đến bệnh hô hấp cấp tính và viêm não gây tử vong.

Virus Nipah có thể lây truyền cho người khi:

- Tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như dơi hoặc lợn, hoặc chất dịch cơ thể của chúng (máu, nước tiểu hoặc nước bọt).

- Tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm bị ô nhiễm bởi chất dịch cơ thể của động vật bị nhiễm bệnh (nhựa cây cọ hoặc trái cây bị ô nhiễm bởi một con dơi bị nhiễm bệnh).

- Tiếp xúc gần với người bị nhiễm Nipah hoặc chất dịch cơ thể của họ (bao gồm các giọt nước mũi hoặc đường hô hấp, nước tiểu hoặc máu).

Triệu chứng khi nhiễm virus Nipah

Các triệu chứng thường xuất hiện sau 4-14 ngày sau khi tiếp xúc với virus Nipah, triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng, bao gồm viêm não và có khả năng tử vong.

Cụ thể, các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt và nhức đầu từ 3-14 ngày và thường bao gồm các dấu hiệu của bệnh về đường hô hấp, chẳng hạn như ho, đau họng và khó thở.

Giai đoạn biến chứng nặng (viêm não), bệnh nhân có thể có các triệu chứng như buồn ngủ, mất phương hướng và rối loạn tâm thần, có thể nhanh chóng tiến triển đến hôn mê trong vòng 24-48 giờ.

Tử vong có thể xảy ra trong 40-75% trường hợp. Di chứng lâu dài ở những người sống sót sau khi nhiễm virus Nipah đã được ghi nhận, bao gồm co giật dai dẳng và thay đổi tính cách.

Cách phòng tránh virus Nipah

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước.

- Tránh tiếp xúc với dơi hoặc lợn bị bệnh.

- Tránh những nơi dơi thường trú ngụ.

- Tránh ăn hoặc uống các sản phẩm có thể bị ô nhiễm bởi dơi, chẳng hạn như nhựa cây chà là sống, trái cây sống hoặc trái cây tìm thấy trên mặt đất.

- Tránh tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể của bất kỳ người nào được biết là bị nhiễm virus Nipah.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm