Ngày 21 – 11, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất của Sở Kế hoạch Đầu tư giao liên danh Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt – Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 – Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng 168 lập đề án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh theo hình thức đối tác công tư.
Dự án này từ nút giao thông An Lập, Quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh với chiều dài toàn tuyến khoảng 5,3km và chiều rộng 60m.
Toàn tuyến Vành đai 2 được chia làm 4 dự án. Trước đó, TP.HCM đã xây dựng đoạn đường nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, Quốc lộ 1 dài gần 3km.
Ba dự án còn lại của đường Vành đai 2 đoạn tuyến kết nối từ bờ cầu Rạch Chiếc trên vành đai phía Đông đến xa lộ Hà Nội và nút giao thông Bình Thái, có chiều dài toàn tuyến 3.820m, chiều rộng 67m.
Đường Vành đai 2 mới hoàn thành được đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa
Mặt cắt ngang là 5m vỉa hè, 10,5m mặt đường, 15m làn xe cơ giới, 2m dải phân cách giữa…. Nút giao thông Bình Thái sẽ được thi công theo dạng nút giao hoa thị khác mức. Ngoài ra, trong dự án còn có hạng mục xây cầu Đường Xuồng có chiều dài 171,3m, rộng 19m.
Dự án thứ hai của đường Vành đai 2 chưa được xây dựng là đoạn tuyến kết nối từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, có chiều dài toàn tuyến là 1.988,5m và chiều rộng 67m. Dự án còn có hạng mục cầu Rạch Ngang với chiều dài 74,42m, chiều rộng 24m.
Cả hai dự án trên được TP. HCM dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhưng chưa xác định được phương án tài chính khả thi nên dự án chưa được duyệt và triển khai thực hiện.
Dự án thứ ba còn lại là đường nối từ nút giao thông An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh với chiều dài toàn tuyến khoảng 5,3km và chiều rộng 60m. Dự án này vừa được TP.HCM liên danh Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt – Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 – Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng 168 lập đề án.
Đường Vành đai 2 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hoạt động giao thông của TP.HCM. Khi hoàn thiện được tuyến đường này, TP.HCM sẽ có điều kiện kết nối thuận lợi với các Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50 và các tuyến đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành...
Mạng lưới giao thông liên hoàn của đường Vành đai 2 sẽ giúp TP.HCM kết nối nhanh chóng với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong khu vực nội đô TP.HCM, đường Vành đai 2 giúp TP.HCM tổ chức lại giao thông, đưa các xe chở hàng đến và đi từ hệ thống cảng, khu công nghiệp, khu chế xuất… ra hoạt động ở đường Vành đai 2.
Theo quy hoạch của TP.HCM, đường Vành Đai 2 sẽ có tổng chiều dài 70km. Điểm đầu xuất phát từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đi qua cầu Phú Mỹ của 1 quận 2 kết nối vào đường Vành đai phía Đông TP.HCM ra ngã tư Bình Thái của Xa lộ Hà Nội.
Sau đó đi đến ngã tư Gò Dưa rồi kết nối vào Quốc lộ 1. Khi đi qua nút giao Tân Tạo thì theo đường Hồ Học Lãm và Ba Tơ để trở về đường Nguyễn Văn Linh tạo thành một vòng tròn vành đai bao bọc quanh khu vực nội đô của TP.HCM.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số đoạn trong đường Vành đai 2 vẫn chưa được xây dựng nên toàn tuyến vẫn chưa thể đi vào vận hành trơn tru.