TP.HCM khẩn cấp đối phó với dịch Zika

“TP.HCM chưa công bố dịch bệnh do virus Zika. Tuy nhiên, virus này đã lưu hành trong cộng đồng nên khả năng lây lan rất nhanh” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu đưa ra lời cảnh báo trên tại buổi họp phòng, chống bệnh do virus Zika diễn ra vào chiều 3-11.

Thêm chín trường hợp mắc Zika

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết đến thời điểm hiện nay TP.HCM ghi nhận 21 ca bệnh Zika tại 11 quận, huyện. “Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm trong sáng 3-11 ghi nhận thêm chín trường hợp mắc bệnh do virus Zika. Như vậy, TP.HCM đã có 30 ca nhiễm” - BS Dũng cho biết.

Theo BS Dũng, trước thực trạng bệnh Zika có chiều hướng gia tăng nên 30 bệnh viện trên địa bàn TP.HCM tiếp tục giám sát sự lưu hành của virus này. “Từ ngày 1-11, TP.HCM triển khai thêm 16 điểm giám sát thuộc y tế tư nhân trên địa bàn quận 2 nhằm đánh giá mức độ lưu hành của virus Zika trên địa bàn TP” - BS Dũng nói.

“Trước đây, khi có kết quả chính thức ca nhiễm virus Zika thì Sở Y tế TP.HCM mới báo về địa phương. Tuy nhiên, do thời gian để có kết quả chính thức kéo dài một tuần nên ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Do vậy, từ nay nếu có ca nghi ngờ bệnh Zika thì Sở Y tế TP.HCM sẽ báo ngay địa phương để chủ động phòng, chống và hạn chế lây lan” - BS Dũng cho biết thêm.

Các thai phụ trong ba tháng đầu thai kỳ, nếu có nghi ngờ nên đến các cơ sở y tế  làm xét nghiệm  tầm soát virus Zika. Ảnh: HP

Nhiều nơi chưa làm tốt vệ sinh môi trường

“Cách đây hai tuần, quận Gò Vấp kết hợp với Sở TN&MT, Sở Y tế và Thành đoàn TP.HCM tổ chức chiến dịch ra quân tổng vệ sinh và tôi có tham gia. Trong khi bí thư, phó bí thư Thành đoàn cùng tham gia tổng vệ sinh thì lãnh đạo Sở TN&MT, Sở Y tế TP lại vắng mặt. Tôi đề nghị lãnh đạo Sở TN&MT, Sở Y tế TP rút kinh nghiệm và phải có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống bệnh Zika” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu thẳng thắn phê bình.

Theo bà Thu, báo cáo của Sở Y tế TP.HCM cho thấy huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Bình Thạnh chưa làm tốt vệ sinh môi trường. Rác rến, nước đọng còn nhiều nên muỗi và lăng quăng có điều kiện phát triển. “Do còn nhiều ổ muỗi, lăng quăng nên số ca bệnh do virus Zika của ba quận, huyện nói trên cứ tăng. Tôi đề nghị lãnh đạo huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Bình Thạnh quyết liệt triển khai các biện pháp diệt muỗi và lăng quăng” - bà Thu nói.

Bà Thu kết luận: “Sau buổi họp này, UBND TP.HCM sẽ ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh. Các quận, huyện có trách nhiệm báo cáo mỗi ngày tình hình phòng, chống dịch bệnh Zika và sốt xuất huyết trên địa bàn cho Sở Y tế. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng báo cáo công tác thực hiện phòng, chống các bệnh nói trên cho UBND TP.HCM biết để có sự chỉ đạo kịp thời”.

TP cũng chỉ đạo UBND quận, huyện TP.HCM nắm danh sách thai phụ trên địa bàn để tuyên truyền phòng, chống bệnh do virus Zika. Nếu phát hiện thai phụ có dấu hiệu mắc bệnh Zika thì tư vấn và hướng dẫn những biện pháp ngăn ngừa, tránh lây lan.

Bà bầu đổ xô đi tầm soát Zika

Tại Phòng khám sản khoa Thảo Nhung (quận 5), các bà bầu đến khám thai, dù mới ở những tháng đầu hay tháng cuối thai kỳ, đều không còn bận tâm nhiều đến cân nặng, sức khỏe, dinh dưỡng hay đẹp xấu gì của thai nhi nữa. Mối quan tâm hàng đầu bây giờ của các chị là xét nghiệm virus Zika, nhờ các bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe hai mẹ con để làm sao được an toàn nhất. “Tôi có thai được tám tháng, đi khám định kỳ thường xuyên nhưng nghe Zika gây dị tật em bé nên sợ lắm, phải đi xét nghiệm mới yên tâm được. Suốt tám tháng qua có mệt mỏi, cũng có lần ốm vặt, biết đâu lại rơi vào mấy triệu chứng của Zika, mắc rồi mà không biết thì khổ” - chị Huỳnh Thị Thùy Dung nói.

Giám đốc Phòng khám sản khoa Thảo Nhung cho biết theo thống kê sơ bộ tại phòng khám gần hai tuần trở lại đây, các sản phụ đến khám và tầm soát Zika khá đông, tăng gấp ba lần so với trước đó.

Tại BV Hùng Vương chiều 3-11, BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV, cho biết số lượng người đến khám thai sản tại đây vẫn bình thường. Tuy nhiên, số người đến tầm soát và hỏi về Zika mỗi lần kiểm tra lại nhiều hơn. “Đa số thai phụ không có triệu chứng sẽ được tư vấn, còn đối với những thai phụ có triệu chứng nóng sốt, phát ban trong thai kỳ mới được khuyên lấy mẫu xét nghiệm, tránh dẫn đến quá tải” - BS Tuyết cho biết.

Vừa đi khám thai tuần trước nhưng quá lo lắng, chị Lê Diễm (quận Bình Tân, TP.HCM) quay lại BV Hùng Vương xin xét nghiệm. Chị cho biết: “Gia đình nhấp nhổm cả tuần nay. Đây là con đầu lòng nên chúng tôi rất lo. Khi có thông tin Zika nhiều tháng trước, chúng tôi đã rất quan tâm đến sinh hoạt trong gia đình, từ diệt muỗi, mắc màn, khám định kỳ hằng tuần. Mặc dù suốt bảy tháng mang thai tôi không ốm vặt nhưng vẫn cứ đi xét nghiệm cho an toàn” - chị Diễm nói.

Theo ThS-BS Nguyễn Hữu Trung, giảng viên khoa Phụ sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM, trong thời gian qua khá nhiều thai phụ tìm đến phòng khám trong tâm lý hoang mang bởi không biết họ có nhiễm virus Zika hay không. Tuy nhiên, chúng tôi trấn an họ rằng không phải thai phụ nào nhiễm virus Zika cũng sinh ra con bị dị tật đầu nhỏ.

ThS-BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết bệnh Zika có thể lây qua ba đường. Thứ nhất là qua muỗi vằn có mang virus Zika đốt và truyền bệnh. Thứ hai là qua quan hệ tình dục, chủ yếu là từ nam truyền sang cho nữ. Thứ ba là từ mẹ sang con. Đối với trường hợp nhiễm bệnh, chỉ có khoảng 20% có triệu chứng biểu hiện trên lâm sàng, bao gồm: phát ban trên da kèm theo một số triệu chứng sau: sốt nhẹ, viêm hoặc đỏ kết mạc, đau khớp hoặc phù khớp, đau cơ. Các triệu chứng này thường nhẹ và tự hết sau 5-7 ngày, không để lại di chứng.

Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu bị nhiễm virus Zika có thể để lại di chứng trên thai nhi, đó là gây ra tật đầu nhỏ hoặc hội chứng Guillian Barré (viêm đa rễ dây thần kinh ngoại biên). Tỉ lệ này khoảng 1%-10% số phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika trong ba tháng đầu của thai kỳ.

_________________________________

Liên quan đến thông tin 90% nam giới mắc Zika bị chứng teo tinh hoàn, đó mới chỉ là nghiên cứu ban đầu của một nhóm chuyên gia. Cho đến nay việc nhiễm virus Zika có dẫn đến việc bị teo tinh hoàn hay không vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục. Do đó, cần có những nghiên cứu trên người để có bằng chứng xác thực.

ThS-BS NGUYỄN TRÍ DŨNG,
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm