Cụ thể, các quận có người mắc virus Zika được công bố nhiều nhất ở ba quận 9, Bình Thạnh và 12, mỗi quận ba ca. Ngoài ra các quận bao gồm 2, 4, Tân Phú mỗi quận hai ca. Các quận, huyện gồm 5, 10, Hóc Môn, Cần Giờ, Bình Tân mỗi nơi một ca.
Tổng số người mắc Zika toàn TP đã lên đến 20 ca, chiếm xấp xỉ 77% số ca mắc Zika toàn Việt Nam. Tất cả trường hợp đều được chẩn đoán xác minh qua hệ thống giám sát trọng điểm bệnh SXH Dengue bệnh Chinkungunya - bệnh do virus Zika và đã được điều tra dịch tễ.
Với mật độ dân số đông đúc, giao lưu qua lại liên tục giữa các vùng miền, có sự hoạt động của nhiều cơ sở, công trình xây dựng là nơi tiềm ẩn cho lăng quăng, muỗi phát triển.
Năm 2015, SXH TP.HCM đã lên đỉnh dịch và cho đến năm nay, thời điểm mùa mưa cuối năm, trong mùa cao điểm của dịch SXH khi mỗi tuần ghi nhận hơn 14.600 ca SXH nhập viện, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo GS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện tại Sở vẫn đang lập đoàn kiểm tra các vùng có ca mắc, phun thuốc diệt muỗi, kiểm tra môi trường. Thời gian tới ngành y tế sẽ triển khai quyết liệt các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP.
Hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng virus Zika và cũng chưa có thuốc điều trị. Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới, 80% những người bị nhiễm Zika không có triệu chứng. Những trường hợp có triệu chứng thường biểu hiện ở dạng nhẹ như sốt và phát ban, ngoài ra cũng có thể gây đau cơ và đau khớp, nhức đầu, đau sau mắt và viêm kết mạc (ngứa, đỏ mắt).
Ngành y tế khuyến cáo người dân không quá hoang mang trước tình hình dịch, đối với phụ nữ có thai nếu có triệu chứng nóng, sốt, phát ban nên đến một trong 30 bệnh viện, cở sở y tế gần nhất để tiến hành tầm soát Zika, theo dõi tình hình thai nhi nhằm đảo bảo an toàn.