Nhằm tháo gỡ những khó khăn và vướng mắc cho TP.HCM, dự kiến hôm nay (15-4), Thủ tướng sẽ làm việc với lãnh đạo TP.HCM để “khơi thông”, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. Để chuẩn bị cho buổi làm việc này, TP.HCM dự kiến có hàng loạt kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn như công tác triển khai các dự án giao thông quan trọng mang tính liên kết vùng, hay những vướng mắc liên quan đến việc triển khai dự án đường sắt.
|
TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT yêu cầu VEC đẩy nhanh tiến độ trình cấp thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để sớm mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: VIẾT LONG |
|
TP.HCM cũng kiến nghị gỡ vướng cho tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: ĐÀO TRANG |
Nhiều dự án liên kết vùng cần được “khơi thông”
Theo dự thảo báo cáo Thủ tướng, kiến nghị đầu tiên được TP nhắc đến đó là việc đầu tư hoàn chỉnh cao tốc TP.HCM - Trung Lương. TP cho rằng tuyến đường được đưa vào khai thác từ tháng 2-2010, với bốn làn xe cao tốc. Hiện nay, do nhu cầu giao thông tăng cao, lượng xe lưu thông lớn, bốn làn đường hiện hữu không đảm bảo khả năng thông hành giao thông, thường xuyên xảy ra ùn tắc. Hiện TP đang phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu quy mô và hình thức đầu tư, nguồn vốn đầu tư, cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện dự án, kế hoạch và các nội dung cần thiết khác.
Qua nghiên cứu, TP nhận thấy cao tốc TP.HCM - Trung Lương đi qua ba địa phương là TP.HCM, Long An, Tiền Giang có tính chất liên vùng, giai đoạn 1 Bộ GTVT đã thực hiện đầu tư bằng ngân sách và hiện nay đang tổ chức quản lý, khai thác. Do vậy, TP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT làm cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện đầu tư mở rộng cao tốc theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Về dự án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM có phương án đầu tư hoàn chỉnh đường dẫn vào cao tốc (đoạn từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2). Đối với đoạn từ đường vành đai 2 đến đường vành đai 3 - nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) lập hồ sơ, TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT yêu cầu VEC đẩy nhanh tiến độ trình cấp thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để sớm mở rộng tuyến đường.
Chính quyền TP.HCM dự kiến có hàng loạt kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn như công tác triển khai các dự án giao thông quan trọng mang tính liên kết vùng, hay những vướng mắc liên quan đến việc triển khai dự án đường sắt.
Đối với đường vành đai 3 TP.HCM, TP cho biết đã lập tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án. Kết quả khảo sát cho thấy đất đắp nền đường, cát xây dựng, đá xây dựng các loại cơ bản đảm bảo nguồn cung ứng cho dự án. Riêng cát đắp nền đường (khoảng 7,2 triệu m3) đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đủ nguồn cung cấp cho dự án.
Vì vậy, TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT và các địa phương hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An phối hợp chia sẻ, cung cấp nguồn vật liệu phục vụ cho dự án.
Đối với dự án đường vành đai 4 TP.HCM, TP đang thống nhất hướng tuyến tại vị trí tiếp giáp tỉnh Bình Dương (cầu Phú Thuận vượt sông Sài Gòn), tiếp giáp tỉnh Long An (cầu kênh Thầy Cai), đồng thời nghiên cứu bổ sung các phương án tuyến mới để giảm khối lượng và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, giảm chi phí đầu tư dự án. Dự kiến hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong quý II-2023.
Để đẩy nhanh tiến độ, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT làm cơ quan tổ chức điều phối triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến. Song song đó, chủ trì phối hợp với TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An rà soát, điều chỉnh hướng tuyến đường vành đai 4 trên địa bàn của mỗi địa phương (nếu cần). Trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch đường vành đai 4 và làm cơ sở cho các địa phương tổ chức lập, trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của TP.HCM
Theo dự báo của Trung tâm mô phỏng kinh tế - xã hội TP, UBND TP.HCM đề ra mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 7,5%-8%. Với bối cảnh như hiện nay, nhiều khả năng kịch bản bất lợi sẽ xảy ra và khả năng đạt 8% sẽ rất khó khả thi. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, TP cho biết chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, mà tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt từ 7,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo.
Ga Thủ Thiêm sẽ trở thành điểm nhấn của TP.HCM
Về nhà ga đường sắt Thủ Thiêm, TP cho rằng ga Thủ Thiêm về bản chất gồm ba nhà ga cho ba tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và đường sắt đô thị số 2 TP.HCM. Đây đều là ba ga cuối cho từng tuyến đường sắt nên hiệu quả tập trung, phân bổ hành khách sẽ rất lớn.
Với tính chất trên, ga Thủ Thiêm đảm nhận vị trí vừa lân cận trung tâm hiện hữu của TP.HCM, vừa ở một trong các khu vực phát triển chính của TP Thủ Đức - đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông của TP.HCM. Vì vậy, dự án cần được nghiên cứu quy hoạch một cách toàn diện và thiết kế đô thị có chất lượng cao để thực sự trở thành điểm nhấn quan trọng tiêu biểu cho TP.HCM trong các giai đoạn phát triển mới của thế kỷ 21.
Hiện nay, TP đang tổ chức lập quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040. Do đó, để đảm bảo cập nhật đồng bộ các quy hoạch, TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT quan tâm sớm chủ trì nghiên cứu quy hoạch chi tiết khu vực ga đầu mối Thủ Thiêm để có cơ sở quản lý quy hoạch, thống nhất triển khai các dự án đầu tư với định hướng phát triển giao thông công cộng khu vực xung quanh nhà ga.
Với nhà ga đường sắt Bình Triệu, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT sớm xúc tiến kế hoạch đầu tư triển khai xây dựng ga Bình Triệu theo quy hoạch. Trong đó có phương án nâng cấp đường sắt Bắc - Nam hiện hữu đoạn qua địa bàn TP.HCM; tổ chức lập quy hoạch chi tiết lại ga Bình Triệu với tính chất ga khách kỹ thuật phía bắc TP.
Dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm báo cáo Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 để giúp công ty đảm bảo nguồn lực hoạt động, chuẩn bị tiếp nhận tài sản bàn giao. Nhằm đảm bảo công tác chuẩn bị vận hành, khai thác tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP không bị gián đoạn.
Thêm vào đó, TP mong muốn Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sớm xem xét trình Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh giá trị cấp phát và vay lại thuộc thỏa thuận vay VN15-P5, thực hiện thủ tục điều chỉnh hợp đồng cho vay lại để TP có cơ sở báo cáo Bộ KH&ĐT bổ sung vốn trung hạn 2021-2025 đối với nguồn vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương.•
Đề nghị Bộ Quốc phòng có ý kiến về hướng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài
TP.HCM cũng cho biết dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đang được rà soát, giải trình, làm rõ một số ý kiến của cơ quan thẩm định để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tuy nhiên, do hướng tuyến có đi qua khu đất quốc phòng nên phải điều chỉnh hướng tuyến và có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng. Mặt khác, nguồn vốn ngân sách của hai địa phương còn khó khăn, chưa thể cân đối bố trí cho dự án, do đó cần thiết bổ sung nguồn vốn từ trung ương.
Theo đó, TP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tham mưu, trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương hỗ trợ 2.900 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương để phân bổ cho công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Đồng thời chỉ đạo Bộ Quốc phòng khẩn trương có ý kiến thống nhất về phương án điều chỉnh cục bộ hướng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, làm căn cứ hoàn chỉnh, trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư dự án.