TP.HCM lên phương án phòng chống sạt lở, bảo vệ bờ sông

(PLO)-  UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý những trường hợp xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM vừa công bố danh mục các vị trí sạt lở bờ sông, kênh rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2022 trên địa bàn. Cùng với đó, TP.HCM đã lên nhiều phương án phòng chống sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình.

TP.HCM đang lên các phương án phòng chống sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình. Ảnh: N.CHÂU

TP.HCM đang lên các phương án phòng chống sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình. Ảnh: N.CHÂU

32 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, hiện TP có 32 vị trí sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Trong đó, TP Thủ Đức có tám vị trí, huyện Nhà Bè bảy vị trí, huyện Bình Chánh bốn vị trí, huyện Cần Giờ bảy vị trí, quận Bình Thạnh bốn vị trí, huyện Hóc Môn một vị trí và huyện Củ Chi một vị trí.

Những vị trí sạt lở trên có thể gây ảnh hưởng hơn 1.300 hộ dân. Vì vậy, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo TP Thủ Đức, các quận, huyện và các đơn vị có liên quan chủ động ứng phó và hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra.

Cụ thể, UBND TP yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư đang triển khai những công trình kè chống sạt lở chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và sớm triển khai thi công các dự án kè phòng chống sạt lở thuộc thẩm quyền của địa phương, đơn vị chủ đầu tư.

Các địa phương cần sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án để phát huy hiệu quả phòng chống sạt lở nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trong các khu vực bị ảnh hưởng.

Đối với các dự án kè, trong quá trình chuẩn bị đầu tư phải khảo sát kỹ địa hình, địa chất. Quá trình triển khai thi công phải đảm bảo chất lượng, bền vững, an toàn để phát huy hiệu quả. Với các dự án kè sau khi đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng phải tổ chức bàn giao cho đơn vị quản lý, vận hành, khai thác.

UBND TP giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT, các đơn vị chủ đầu tư trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án công trình kè chống sạt lở, bảo vệ khu dân cư trong thời gian ngắn nhất. Làm sao phải sớm có mặt bằng phục vụ thi công và hoàn thành dứt điểm các dự án kè trên địa bàn.

Các địa phương cần tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý những trường hợp xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch, bờ bao, đê bao, bờ kè, đảm bảo an toàn hệ thống công trình phục vụ ngăn triều, phòng chống sạt lở.

UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư đang triển khai những công trình kè chống sạt lở chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nhanh chóng hoàn thành dự án.

Tăng cường trồng cây hạn chế sạt lở

Trong thời gian qua, các địa phương trên địa bàn TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với tình hình sạt lở bờ sông, kênh rạch.

Theo đại diện UBND huyện Cần Giờ, thời gian qua UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban, UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra những khu vực sạt lở, chủ yếu là khu vực dân cư đang sinh sống. Đồng thời chuẩn bị các biện pháp ban đầu phù hợp để ứng phó với sự cố khi tình huống sạt lở xảy ra.

Song song lập các biển cảnh báo nguy hiểm tại hiện trường như căng dây khoanh vùng cách ly khu vực nguy hiểm. Các cơ quan, đơn vị cũng cắt cử lực lượng trực 24/24 giờ tại hiện trường, không để người dân tiếp cận khu vực nguy hiểm; giúp người dân khi có yêu cầu; phối hợp với các đơn vị chức năng đến khảo sát, khắc phục sự cố.

“Huyện triển khai công tác phi công trình như tổ chức tuyên truyền bà con trồng cây hạn chế sạt lở. Ưu tiên đầu tư công trình bảo vệ hạ tầng kỹ thuật, đê điều và một khu vực sản xuất có nguy cơ sạt lở trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất.

Riêng đối với đất rừng phòng hộ, quận xây dựng đề án nghiên cứu tình hình sạt lở đất rừng và đề ra các giải pháp hạn chế. Đồng thời, hằng năm quận tăng cường công tác trồng rừng trên đất bãi bồi. Mặt khác, tận dụng các chương trình thí điểm từ ngân sách nhà nước như triển khai công trình bê tông công nghệ mới…” - đại diện UBND huyện Cần Giờ chia sẻ.

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, huyện hiện có tổng số 19 công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai trên địa bàn, trong đó có bốn dự án xây dựng kè chống sạt lở (một dự án đang triển khai thực hiện, hai dự án đang thi công, một dự án đang lập hồ sơ trình duyệt).

Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch phòng chống, ứng phó với thiên tai. Đồng thời rà soát, thống kê số nhà dân có nguy cơ sạt lở để kịp thời lên phương án di dời, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép

Theo các chuyên gia, khai thác cát, sỏi trái phép là một trong những nguyên nhân chính gây ra xói lở bờ sông. Tình trạng này sẽ khiến quá trình sụt lún công trình hạ tầng diễn ra nhanh chóng. Khai thác cát cũng tác động đến dòng chảy làm mất ổn định đến đáy sông và hai bên bờ sông.

Vì vậy, UBND TP.HCM giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý triệt để các chủ phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép, không phép trên địa bàn TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm