Nói về dự án vành đai 2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Đức Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Văn Phú, Bắc Ái (chủ đầu tư đoạn 3, từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao cầu vượt Gò Dưa của dự án vành đai 2), cho biết: “Tất cả chưa có gì chuyển biến, chúng tôi vẫn đang đợi TP điều chỉnh phụ lục hợp đồng và các vấn đề liên quan khác. Chúng tôi cũng chưa biết khi nào dự án được triển khai thi công trở lại”.
Công trường đoạn 3 của dự án vành đai 2 bị bỏ hoang nhiều tháng nay.
Ảnh: HV
Công trường “án binh bất động”
Từ đầu năm 2020, đoạn 3 (dài 2,75 km) của đường vành đai 2 đã tạm ngưng thi công nhiều hạng mục. Công trường khu vực phường Tam Phú, quận Thủ Đức bị bỏ hoang, sắt thép rỉ sét, cây cối mọc um tùm, các cây cầu trơ cả khung sắt.
Theo ông Trần Đức Thắng, hiện công trường dự án này vẫn “án binh bất động” chờ cơ quan chức năng TP giải quyết.
Chủ đầu tư cho biết có ba nguyên nhân khiến đoạn đường này làm mãi không xong. Thứ nhất là giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết, thứ hai là TP hiện vẫn chưa thanh toán tiền cho nhà đầu tư và thứ ba là sau khi kiểm toán rà soát dự án thì các bên chưa ký phụ lục hợp đồng BT.
Cụ thể, chủ đầu tư đã làm được gần 50% tiến độ dự án, còn vướng mặt bằng khoảng 20% ở khu vực quận Thủ Đức. Nhà đầu tư đã bỏ ra hơn 900 tỉ đồng giải phóng mặt bằng, hơn 400 tỉ đồng để thi công, cộng thêm lãi hơn 200 tỉ đồng (tổng hơn 1.500 tỉ đồng) nhưng đến nay TP chưa giải ngân khoản nào cho nhà đầu tư.
Ngoài vành đai 2, vành đai 3 và 4 cũng chưa hẹn ngày về đích. Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ có ba tuyến đường vành đai với tổng chiều dài khoảng 356 km. Đường vành đai 2 đảm nhận chức năng phân luồng giao thông trong khu vực nội thành. Đường vành đai 3, vành đai 4 có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đến nay chỉ có đường vành đai 2, vành đai 3 được triển khai thực hiện, trong đó đường vành đai 2 có chiều dài khoảng 64 km, đã đưa vào sử dụng 50 km. Còn lại 14,1 km thì riêng đoạn 3 dài 2,75 km đang được Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái thi công, ba đoạn còn lại đang được nghiên cứu lập đề xuất đầu tư.
Dự án vành đai 3 chia làm bốn giai đoạn: Nhơn Trạch - Tân Vạn, Tân Vạn - Bình Chuẩn, Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức. Trong đó mới có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc tỉnh Bình Dương) dài 16 km hoàn thành và đưa vào khai thác.
Dự án đường vành đai 4 có tổng chiều dài 197,6 km, đi qua năm tỉnh, thành là Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An. Hiện dự án này vẫn đang lập kế hoạch đầu tư.
Cần cấp bách làm ngay
“Có thể nhìn thấy ở TP.HCM hiện không có đường vành đai mà chỉ có đường vành khuyên (vành đai bị khuyết)” - PSG-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá.
Theo ông Thiên, để phát triển về mặt hạ tầng, TP cần ưu tiên khép kín các đường vành đai. Chỉ có mấy kilomet vành đai 2 mà làm nhiều năm nay vẫn chưa xong, TP cần tìm hướng tháo gỡ để sớm hoàn thành.
Tương tự, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D, DKRA Việt Nam (một đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường liên quan đến hạ tầng), cho rằng đang có sự “lệch pha” giữa hạ tầng giao thông TP.HCM với Hà Nội.
“Hà Nội trong 5-10 năm qua, sự phát triển hạ tầng giao thông là rất mạnh với hàng loạt dự án khủng được triển khai. Trong khi đó, trong 3-4 năm nay giao thông TP.HCM không có nhiều đột phá” - ông Hoàng phân tích.
Ông Hoàng cho rằng trong năm nay, TP cần đẩy nhanh khép kín đường vành đai 2 và đoạn vành đai 3 (Tân Vạn - Nhơn Trạch), đồng thời nhanh chóng đưa vào khai thác cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc vành đai 3).
Nói về lý do dự án vành đai 2 (đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa) chậm trễ, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, lý giải trong văn bản báo cáo việc thực hiện các dự án trọng điểm TP.HCM năm qua là do vướng mắc hai vấn đề.
Đầu tiên là do công tác giải phóng mặt bằng tại các quận, huyện thực hiện chậm. Thứ hai là phải thực hiện những thủ tục liên quan đến điều chỉnh dự án, sau đó mới có đầy đủ cơ sở triển khai các công việc tiếp theo.
Sở GTVT TP cho hay đã báo cáo, kiến nghị UBND TP xem xét chỉ đạo thực hiện, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, quỹ đất thanh toán cho hợp đồng BT dự án. Các công tác giám sát nhà nước, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, sở cũng đã có báo cáo TP.
“Hiện các sở, ngành, đơn vị liên quan đang tham mưu phương án giải quyết để trình UBND TP” - Sở GTVT TP thông tin.•
Sẽ ưu tiên làm vành đai 2, 3, 4 Trong động thái mới nhất, TP.HCM đã đưa dự án đường vành đai 2, 3, 4 đứng đầu danh sách các dự án cần ưu tiên triển khai trong thời gian tới. Cụ thể, trong Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn đến năm 2030, danh mục các dự án tiên quyết đầu tư, các đường vành đai này được liệt kê trong danh sách “đầu bảng”. Theo đó, TP.HCM sẽ tiên quyết làm đường vành đai 2 đoạn quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh, đoạn cầu Phú Hữu đến nút giao Bình Thái, đoạn nút giao Bình Thái đến Phạm Văn Đồng. Đường vành đai 3 sẽ làm đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22, đoạn quốc lộ 22 - Bến Lức; vành đai 4 làm đoạn Bến Lức - Hiệp Phước. Trước đó, cuối năm 2020, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đã trình Bộ GTVT báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần của tuyến vành đai 3. Theo đó, Tổng Công ty Cửu Long đã kiến nghị Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính ưu tiên cân đối vốn, báo cáo Thủ tướng đưa toàn bộ dự án vành đai 3 TP.HCM vào danh mục dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. |