Tại cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa các doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa với Sở GTVT TP.HCM diễn ra chiều 27-12, ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết trong năm 2017 đã diễn ra tình trạng các DN vận tải hàng hóa cạnh tranh không lành mạnh rất kịch liệt. “Có DN giảm giá cước vận tải tới 50%, dưới mức giá cước chung rất sâu; cùng với đó là tình trạng chở quá khổ, quá tải vẫn diễn ra với số xe tham gia chở quá tải lên đến 10%-12% số đầu xe đang hoạt động” - ông Chánh nói.
Ông Chánh cũng thừa nhận hiện tượng chở quá tải, phá giá không chỉ ảnh hưởng đến các DN xe tải mà còn làm cho cầu, đường hư hỏng nhanh chóng, gây bất an lớn cho người đi đường và môi trường sống của TP. Theo một quan chức của Hiệp hội Vận tải hàng hóa, sở dĩ nạn chở quá tải, đi vào đường cấm vẫn diễn ra là do các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý chưa triệt để. “Có xe thì “triệt” tới bến, có xe thì cho đi nên nhà xe, tài xế nhờn” - vị quan chức của hiệp hội nói.
Thanh tra giao thông TP.HCM sẽ mở ba đợt kiểm tra, xử lý mạnh các xe chở quá tải, đi vào đường cấm dịp Tết dương lịch và Tết Mậu Tuất. Ảnh: LƯU ĐỨC
Theo ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra giao thông, tới đây thanh tra giao thông sẽ mở ba đợt kiểm tra, xử lý mạnh các xe vi phạm chở quá tải, đi vào đường cấm để bảo đảm an toàn cầu, đường dịp Tết dương lịch 2018 và Tết Mậu Tuất.
Một vấn đề khác cũng đang gây bức xúc cho các DN vận tải là việc thu giá trạm BOT. Theo ông Nguyễn Văn Chánh, hiện trên địa bàn TP có năm trạm thu giá và khoảng 10 trạm thu giá của các tỉnh liền kề. “Các trạm này nằm sát bên nhau, chỉ cách nhau trung bình 4,4-20 km nên đã và đang là gánh nặng lên các nhà vận tải” - ông Chánh nói.
4.270 vụ vi phạm chở quá tải bị thanh tra giao thông xử phạt trong năm 2017, tăng 9,6% số vụ so với cùng kỳ năm 2016. Cũng theo ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, thanh tra đã xử phạt với số tiền lên tới gần 47 tỉ đồng. |
Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT, cũng cho rằng vấn đề nổi cộm mà DN đang quan tâm là tình trạng trạm BOT bao vây TP và mức giá qua trạm chưa hợp lý. “Sở GTVT và Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan đang rà soát mức giá thu và thời gian thu ở các trạm BOT thuộc địa bàn TP để kiến nghị, trình UBND TP có hướng giảm phù hợp, hài hòa giữa DN vận tải và DN BOT” - ông Lâm cho biết.
Trước kiến nghị của các DN về bỏ các loại phù hiệu xe tải, xe container…, ông Lâm cho biết Sở GTVT và Công an TP đang nghiên cứu đề xuất lên Bộ GTVT, Bộ Công an về việc quản lý các loại xe hàng hóa, hành khách, taxi… thông qua loại biển số riêng. “Nếu được như vậy thì ngành GTVT sẽ bỏ ngay các loại phù hiệu, tem định danh riêng với các loại xe. Khi đó các thủ tục hành chính về cấp, đổi, quản lý các loại phù hiệu, giấy tờ liên quan sẽ được loại bỏ” - ông Lâm nói.
Đào tạo lái xe bằng FC không nghiêm? Theo ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, hiện có tình trạng số người lái xe có bằng FC thì nhiều trong khi DN xe tải lại thiếu trầm trọng loại người lái xe này. Có ý kiến cũng cho rằng do khâu đào tạo, sát hạch lái xe bằng FC không nghiêm và thiếu thực chất nên nhiều người dù có bằng lái FC nhưng không thể cầm vô lăng. Trao đổi lại ý kiến này, ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng thiếu người lái bằng FC là do sự điều tiết của thị trường lao động và cách quản lý, chính sách lương của DN đối với người lao động. “Lái loại xe tải nặng mà trả lương thấp, lái nhiều giờ thì người lái nhảy việc là điều phải diễn ra!” - ông Bình nói. |