Sáng 5-2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Dương về kinh nghiệm đầu tư dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.
Mở đầu buổi làm việc, ông Đinh La Thăng mong muốn học tập kinh nghiệm của Bình Dương trong việc xây dựng nhà ở xã hội. Ông Thăng cho biết TP.HCM có nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp rất cấp bách, trong đó có mô hình nhà ở xã hội 100 triệu đồng.
Bí thư Đinh La Thăng thăm cư dân khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, phường Hòa Lợi, TP Thủ Dầu Một. Ảnh TÁ LÂM
Theo ông Thăng, người lao động tạo ra tăng trưởng cho TP nhưng điều kiện ăn ở cho họ còn rất khó khăn, dù TP rất quan tâm. “Để thực hiện được thì còn gặp nhiều thách thức. TP muốn học tập kinh nghiệm cả về mặt thành công lẫn chưa thành công, mong tỉnh chia sẻ, TP.HCM hết sức cầu thị tiếp thu nghiêm túc để có thể áp dụng trong điều kiện của TP.HCM” – ông Thăng nói.
Đáp ứng lại mong muốn đó, ông Trần Thanh Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương có kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội từ năm 2005. Tỉnh hiện có 2 triệu dân, trong đó 50% là dân nhập cư.
Đến nay tỉnh Bình Dương đã triển khai 85 dự án với diện tích 3,9 triệu mét vuông sàn nhà ở, trong đó có 43 dự án thuộc đề án nhà ở an sinh xã hội Becamex do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – TNHH MTV (Becamex IDC) làm chủ đầu tư với tổng diện tích 3,1 triệu mét vuông sàn nhà ở, tổng lượng căn hộ là 70 ngàn căn với tổng vốn đầu tư là 12,1 ngàn tỷ đồng.
“Đây là mô hình phát triển nhà ở an sinh xã hội trên cơ sở quỹ đất sạch đã được đầu tư và đưa và sử dụng với giá bán ưu đãi, phù hợp với thu nhập của người lao động” - ông Liêm nói.
Theo ông Liêm, đến nay đã có 25 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng diện tích hơn 491.000 mét vuông sàn nhà ở. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp có đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động với tổng diện tích 270.000 mét vuông sàn.
Như vậy, từ đầu năm 2011 đến nay, tổng diện tích sàn nhà ở xã hội của Bình Dương đạt trên 761 ngàn mét vuông. “Kinh nghiệm của tỉnh Bình Dương là quy hoạch và chuẩn bị rất sớm quỹ đất cho chương trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội về sau” – ông Liêm nói.
Một trong những khó khăn của tỉnh trong việc thực hiện chương trình nhà ở xã hội là người lao động, công nhân trong các khu công nghiệp, người có thu nhập thấp chưa đủ khả năng mua nhà. Một bộ phận công nhân tâm lý thích nhà thuê, “ngán” mua nhà ở xã hội hơn vì gần công ty, nhà máy để thuận tiện đi lại và giảm chi phí sinh hoạt. Ngoài ra, đối tượng có nhu cầu mua nhà ở xã hội khó tiếp cận vốn vay.
Ông Trần Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương truyền lại kinh nghiệm xây nhà ở xã hội. Ảnh: TÁ LÂM
Ông Liêm cũng cho biết về 2 điều kiện để làm nhà ở xã hội. Thứ nhất, muốn phát triển nhà ở xã hội thì phải có vốn ưu đãi quy định thời gian dài, khoảng 20 năm hoặc ít nhất là 15 năm chứ 10 năm là không làm được. “20 năm ở xong có thể đập làm lại, rất thuận tiện, đảm bảo văn minh, ổn định phá triển đô thị” – ông Liêm nói.
Tiếp đó, quyền sử dụng đất phải được ưu tiên.Theo ông Liêm, nguồn đất các địa phương chuẩn bị giao cho doanh nghiệp là khó. Ngân sách bây giờ không đủ để đền bù nổi, nguồn để đền bù đất sạch cũng phải vay ưu đãi chứ lấy ngân sách ra đền bù thì không nổi. “Có được 2 điều kiện này thì mới làm được nhà xã hội” – ông Liêm nói.
Ngay sau buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cùng đoàn lãnh đạo của TP.HCM đã khảo sát khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, phường Hòa Lợi và khu nhà ở xã hội Định Hòa, phường Định Hòa (cùng ở TP. Thủ Dầu Một).