TP.HCM nắng gay gắt, trường học tìm đủ cách chống nóng

(PLO)- Để bảo vệ sức khỏe học sinh trong thời tiết nắng nóng kéo dài nhiều tháng nay, các trường học tại TP.HCM đã áp dụng nhiều phương pháp chống nóng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thay vì chạy nhảy giữa sân trường giờ ra chơi, Tấn Sang (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình) rủ bạn đến khu vực sảnh để chống nóng. “Chỗ này vừa có quạt mát lại có nhiều trò chơi, trong đó có trò rút gỗ nên con rất thích” - cậu bé cười tít mắt.

Tăng cường chống nóng đảm bảo sức khỏe HS

Cô Thanh Thảo, tổng phụ trách Đội của trường, chia sẻ các trò chơi được tổ chức tại sảnh mục đích để học sinh (HS) có giờ giải lao thật thú vị, bổ ích. Trong thời tiết hiện nay, các trò chơi tại chỗ như ô ăn quan, rút gỗ, cờ vua, cờ tướng, cờ domino, tô màu… giúp hạn chế HS chạy nhảy ngoài trời, ảnh hưởng sức khỏe.

trường học ở tphcm chống nóng cho học sinh
Giờ học thể dục tại Trường Tiểu học Lê Văn Thọ được tổ chức vào buổi sáng, tại vị trí có bóng râm và có bố trí quạt điện để chống nóng. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Trời nắng nóng, trong lúc chạy nhảy, đùa giỡn, các em dễ va chạm, xảy ra xung đột. Do đó, chi đoàn đã tổ chức những trò chơi nhẹ nhàng, mang tính trí tuệ, khéo léo tại không gian mát mẻ để HS có thể thư giãn sau giờ học căng thẳng, đồng thời chống nóng cho các em” – ông Nguyễn Văn Hùng. Hiệu trưởng nhà trường, nói thêm.

Còn tại Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp), bà Lê Thụy Phượng Linh, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay vừa qua trường đã khẩn trương rà soát, sửa chữa, bổ sung và thay thế các thiết bị hỏng hóc tại các phòng học như quạt điện, điều hòa, quạt thông gió… chống nóng cho HS. Cạnh đó, tiến hành che chắn hướng nắng chiếu vào phòng học, tăng cường nước uống...

tranh nong 1.jpg
Giờ học thể dục tại Trường Tiểu học Lê Văn Thọ được tổ chức trong sảnh ăn để chống nóng, đảm bảo sức khỏe cho HS. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trời nóng, các trò chơi tại chỗ như ô ăn quan, rút gỗ, cờ vua, cờ tướng, cờ domino, tô màu… giúp hạn chế HS chạy nhảy ngoài trời, ảnh hưởng sức khỏe.

Không chỉ có vậy, trường còn điều chỉnh thời khóa biểu, không tổ chức các hoạt động ngoại khóa trong thời điểm nắng nóng. Với các tiết học ngoài trời, trường chọn vị trí mát như dưới bóng cây, sảnh nhà ăn, mở các quạt công nghiệp và dàn phun sương dưới sân chơi… để chống nóng.

“Đối với suất ăn bán trú, trường chỉ đạo bộ phận cấp dưỡng ngoài đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cần bổ sung sữa, trái cây vào thực đơn hàng ngày. Nhân viên y tế cũng tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho HS cách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân, chống nóng phòng bệnh” – bà Linh thông tin.

tranh nong 3.jpg
Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình tổ chức những trò chơi nhẹ nhàng tại sảnh trường, có bố trí quạt để chống nóng cho HS. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tương tự, ông Văn Nhật Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận 11) cho biết các lớp bán trú của trường đều trang bị máy lạnh. Thực đơn bán trú luôn có canh, trái cây, tăng cường nước uống cho HS.

“Giờ thể dục buổi chiều được bắt đầu lúc 14 giờ 40 tại khu vực lưới lan, sảnh hoặc hội trường nên các em cũng không quá nóng” – ông Phương nói.

Tại Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh), ông Nguyễn Tuấn Anh, Hiệu trưởng, cho hay mặc dù thời tiết nóng nhưng tất cả phòng học đều có máy lạnh, trường có nhiều cây xanh tạo bóng mát để chống nóng.

“Bữa ăn bán trú cũng được trường điều chỉnh cho phù hợp với mùa nóng, tăng cường món mát, rau xanh, nước mát để đảm bảo sức khỏe cho HS” – ông Anh chia sẻ.

Chuẩn bị nước ép, quần áo thay cho con chống nóng

“Dù trường có sẵn bình nước lọc và mỗi bé có một chiếc ly riêng, song do thời gian này nắng nóng quá nên ngày nào tôi cũng phải nhắc con mang theo bình nước để uống nước thường xuyên hơn” – chị Lam Giang (quận 12), cho biết.

Cũng theo chị Giang, trời nắng nóng, trẻ con lại hiếu động hay chạy nhảy, đổ mồ hôi liên tục. Do đó, ngoài nước lọc chị còn mua thêm cam về ép nước, bổ sung trái cây, rau xanh cho con tăng sức đề kháng.

Chưa hết, chị còn xếp thêm quần áo sạch để bé thay ở trường khi toát quá nhiều mồ hôi. "Chống nóng là phải tận dụng mọi cách, miễn con thấy thoải mái và đảm bảo sức khỏe" - chị nhấn mạnh.

Để chống nóng cho HS, Sở GD&ĐT TP.HCM quy định, đối với các lớp một buổi, thời gian vào tiết đầu tiên của buổi sáng trong khoảng từ 7 giờ 15 đến 7 giờ 30 phút. Thời gian vào tiết đầu của buổi chiều trong khoảng từ 12 giờ 45 đến 13 giờ.

Đối với lớp 2 buổi/ngày, thời gian vào tiết đầu của buổi sáng từ 7 giờ 30 trở đi và không trễ hơn 7 giờ 45 phút. Thời gian vào tiết đầu tiên của buổi chiều không sớm hơn 14 giờ.

Từ 5 giờ sáng, chị Liên Nguyễn (quận Bình Thạnh) đã dậy chuẩn bị bữa sáng cho con. Ngoài đồ ăn, chị còn ép cho mỗi bé một chai nước trái cây mang theo đến trường.

“Để bé không chán uống nước, chống nóng hiệu quả, tôi thay đổi loại trái cây mỗi ngày, ví dụ nay cam, mai thơm, mốt thì cà rốt… Ngoài ra tôi chú ý thêm rau xanh trong bữa ăn để bé có sức đề kháng tốt, hạn chế mắc bệnh vặt” – chị Liên chia sẻ.

Dúi vào tay con hộp trái cây gọt sẵn, anh Ngọc Minh (TP Thủ Đức) trần tình: “Mấy nay nhiệt độ toàn 38-40 độ C, sợ con thiếu nước nên ngoài chuẩn bị sẵn bình nước chanh, tôi nói con ráng mang theo hộp dưa lưới từ nhà để ra chơi ăn cùng bạn. Mùa này, để chống nóng thì bổ sung vitamin rất cần thiết”.

Cách chăm sóc trẻ mùa nắng

Thời tiết nắng nóng kéo dài gây nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm ở trẻ em. Để phòng bệnh, phụ huynh cần tạo cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, đồng thời hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng… để giúp loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh từ chính đôi bàn tay của trẻ.

Cạnh đó, gia đình nên chú ý vấn đề chế biến và bảo quản thức ăn, thức uống, thời gian cho phép khi lưu trữ thực phẩm ở nhiệt độ bên ngoài. Nếu ăn đồ ăn ngoài hàng, quán… cần lựa chọn địa điểm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Luôn giữ môi trường sống thông thoáng, trong lành giúp hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh truyền nhiễm mùa nắng nóng.

Tăng cường lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, cam tươi, dừa tươi, nước sôi nguội… giúp cơ thể trẻ không bị mất nước do nhiệt độ cao và tăng cường sức đề kháng.

Hạn chế cho trẻ chơi quá lâu dưới thời tiết nắng nóng vì dễ gây mất nước, suy kiệt và dễ nhiễm bệnh. Nếu phải hoạt động ngoài trời, nên hướng dẫn che chắn cho trẻ cẩn thận (đội mũ, áo dài tay, nơi hoạt động có mái che…).

Tránh hoạt động vào những thời điểm nhiệt độ môi trường tăng cao và tia cực tím hoạt động mạnh trong ngày (khung giờ từ 10 - 14 giờ). Thời gian hoạt động ngoài trời không quá 60 phút/ngày đối với trẻ em trong thời tiết nắng nóng.

BS CKI TRƯƠNG THỊ NGỌC PHÚ - Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi đồng 2, TP.HCM

THẢO PHƯƠNG (ghi)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm