Ngày 23-4, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP.HCM Phạm Minh Tuấn dẫn đầu đoàn công tác khảo sát, đánh giá việc xây dựng khu dân cư, phường, xã, thị trấn sạch, xanh, thân thiện môi trường và khu dân cư đoàn kết - nghĩa tình - tự quản tại quận 7 và quận 11.
Người dân phấn khởi khi khu dân cư sạch, xanh
Trong buổi sáng, đoàn công tác đã đến khảo sát tại công trình vườn thuốc Nam và khu phố 1A ở phường Tân Thuận Đông, quận 7. Sau đó, đoàn tiếp tục đến thăm công trình cải tạo khu đất trống thành công viên ở phường Bình Thuận của quận này.
Đến hái thuốc khi đoàn công tác ghé khảo sát, ông Nguyễn Văn Tư (ngụ phường Tân Thuận Đông) cho biết sáng nay sau khi chở con đi học, ông ghé ngang vườn để hái ít sả, gừng, lá lốt… về làm gia vị để nấu ăn.
“Từ ngày có vườn thuốc, mỗi khi đau đầu, cảm sốt,... tôi thường hay ra đây hái ít lá thuốc, hoặc hái tí gừng, sả, tía tô về nhà xông hơi, không thì lấy làm gia vị nấu ăn cũng được, tiện lắm”- ông Tư nói.
Khu đất ở cuối đường 53 Lâm Văn Bền (phường Bình Thuận) cũng từng là bãi đất trống sau đó được cải tạo thành công viên. Theo bà Lê Ngọc Hân, người sống ở khu vực, nơi đây từng là nỗi ám ảnh của người dân xung quanh.
“Trước đây đất trống nên người ta dùng làm bãi rác, mùi hôi bốc lên... Khi cải tạo khu này thành công viên ai cũng mừng, cứ chiều là tôi dẫn cháu ra đây chơi, tôi thì tập thể dục, không khí dễ thở và thoải mái lắm”- bà Hân nói.
Được biết, năm 2023, quận 7 có 52/53 khu phố tiếp tục duy trì danh hiệu “Khu phố - ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”; 10/10 phường đạt danh hiệu “Phường – xã – thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch” và “Phường – xã – thị trấn sạch, xanh, thân thiện môi trường”.
Quận cũng công nhận 32 khu dân cư đạt tiêu chí sạch, xanh và thân thiện với môi trường.
Lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam quận 7 đánh giá công tác xây dựng mô hình, giải pháp, cách làm hay ở cộng đồng dân cư đã đem lại hiệu quả tích cực, ngày càng nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên quận 7 vẫn còn một số hạn chế chưa làm được như vấn đề thu gom rác ở một số nơi còn chưa đảm bảo thời gian, chưa đảm bảo tần suất thu gom theo quy định; ý thức chấp hành của một số hộ dân về công tác vệ sinh môi trường còn hạn chế; việc quản lý các tuyến đường, tuyến hẻm trồng cây xanh, cây kiểng hoặc tạo mảng xanh còn gặp nhiều khó khăn.
Vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
Chiều cùng ngày, đoàn công tác đã đến khảo sát, đánh giá việc xây dựng khu dân cư, phường, xã, thị trấn sạch, xanh, thân thiện môi trường và khu dân cư đoàn kết - nghĩa tình - tự quản tại quận 11.
Năm 2023, quận 11 có 63/63 phường đạt danh hiệu khu dân cư sạch, xanh, thân thiện môi trường và danh hiệu khu dân cư đoàn kết - nghĩa tình - tự quản; 16/16 phường đạt danh hiệu phường sạch, xanh, thân thiện môi trường.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, mô hình vẫn còn phát sinh một số hạn chế cần khắc phục như thời gian giao nhận rác không phù hợp, tình trạng rác thải cồng kềnh, khó khăn trong việc truyền đạt hướng dẫn đến người lớn tuổi...
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Phạm Minh Tuấn đã đánh giá cao những kết quả quận 7 và quận 11 đạt được trong hai năm vừa rồi.
Theo ông Tuấn, để phong trào hoạt động có hiệu quả thì không thể thiếu sự tham gia của lực lượng chuyên trách.
Ông Tuấn cũng đề xuất các quận tăng cường tuyên truyền, vận động người dân để những thông tin về hoạt động mô hình dần thẩm thấu, ăn sâu vào tiềm thức của người dân, từ đó nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường.
Để tăng hiệu quả quản lý, ông Tuấn cho rằng cần có kế hoạch rõ ràng về công tác tuyên truyền đi đôi với xử phạt. Theo ông Tuấn, các sở ngành TP cần xác định rõ đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện công tác xử lý vi phạm liên quan lĩnh vực môi trường, cấp ủy quan tâm sâu sát, chỉ đạo thực hiện vấn đề này.