Ngày 4-11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phối hợp với Sở TN&MT TP.HCM tổ chức lễ tổng kết, trao giải hội thi xây dựng công trình sạch - xanh - thân thiện với môi trường dựa vào cộng đồng tại khu dân cư năm 2022.
Phát huy vai trò cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường
Qua hơn năm tháng triển khai, hội thi xây dựng công trình sạch - xanh - thân thiện với môi trường dựa vào cộng đồng tại khu dân cư năm 2022 nhận được sự tham gia hưởng ứng sôi nổi của chính quyền, hệ thống MTTQ các cấp và tổ chức thành viên của mặt trận. Chương trình đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ ở khu dân cư trong phong trào bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng khu dân cư sạch - đẹp.
Công trình cải tạo mảng tường cũ thành tác phẩm tuyên truyền và xây dựng mảng xanh khu dân cư ở phường Đa Kao, quận 1. Ảnh: NN |
Kết quả, ban tổ chức đã trao 41 giải cho 41 công trình, gồm: Một giải nhất, hai giải nhì, ba giải ba, 16 giải khuyến khích và 19 giải phong trào.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM: Năm 2022 đã đánh dấu cột mốc quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực.
Một trong những điểm mới quan trọng của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong các hoạt động bảo vệ môi trường; bổ sung “cộng đồng dân cư” vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Từ đó khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường cũng bổ sung các quy định giúp cộng đồng dân cư tham gia giám sát hoạt động bảo vệ môi trường. Đồng thời xác định mục tiêu xuyên suốt của luật là bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo người dân được sống trong môi trường trong lành.
Với sự phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Sở TN&MT, các tổ chức thành viên và Phòng TN&MT quận, huyện, TP Thủ Đức, TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động, công trình dựa vào cộng đồng tại địa phương và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tới cuối năm 2022, xây dựng 500 khu dân cư sạch - đẹp
Tháng 6-2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 490 về phối hợp triển khai thực hiện xây dựng 1.000 khu dân cư sạch - đẹp. Trong đó, Ban Thường trực đề ra chỉ tiêu đến cuối năm 2022 sẽ xây dựng 500 khu dân cư được công nhận khu dân cư sạch - đẹp. Theo đó, mỗi phường, xã, thị trấn có ít nhất một khu dân cư sạch - đẹp được công nhận. Đến cuối năm 2023, xây dựng 1.000 khu dân cư được công nhận khu dân cư sạch - đẹp.
Để phát huy những kết quả tốt đẹp đã đạt được trong thời gian qua, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đề nghị hệ thống Mặt trận các cấp của TP phối hợp với chính quyền cùng cấp và các tổ chức thành viên chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên và sâu rộng trong các ngành, các cấp, các địa phương. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức và vận động sự tham gia của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trên địa bàn.
Đã có nhiều công trình tiêu biểu được duy trì và xây dựng mới, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ ở khu dân cư trong phong trào bảo vệ môi trường.
“Cần tập trung tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, các hộ gia đình tăng mảng xanh. Đồng thời, khuyến khích đa dạng các hình thức tăng mảng xanh trên mái, trên mặt đứng tại các công trình nhà cao tầng, lan can cầu, tại các cơ quan, công sở, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...
Trong thời gian qua, các địa phương trên địa bàn TP đã xây dựng nhiều công trình, mảng xanh, tạo bức tranh mới cho mỹ quan, đô thị sạch hơn, xanh hơn” - ông Tuấn nói.
Ông Đỗ Hữu Cường, Chủ tịch UBND phường Đa Kao, quận 1, chia sẻ: Thời gian qua, UBND phường đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể thực hiện nhiều chương trình nhằm bảo vệ môi trường trong khu vực.
Cụ thể, phường đã vận động người dân quét dọn vệ sinh, trồng cây xanh vào vỏ chai nhựa tái chế treo lên các mảng tường, cải tạo mảng tường cũ… Theo đó, kế hoạch cải tạo những bức tường cũ thành những tác phẩm tuyên truyền được nhiều người dân hưởng ứng. Công trình này cũng đoạt giải trong hội thi xây dựng công trình sạch - xanh - thân thiện với môi trường dựa vào cộng đồng tại khu dân cư năm 2022.
“Trong thời gian tới, UBND phường sẽ phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể của phường tiếp tục duy trì thường xuyên việc chăm sóc, duy trì mảng tường xanh, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, phường cũng sẽ tiếp tục tăng cường thêm các mảng xanh trên địa bàn” - ông Cường nói.•
Chung tay trồng 1 triệu cây xanh cho các TP lớn
Tại buổi lễ tổng kết trao giải, TS Vũ Thị Quyền, Trưởng ngành công nghệ sinh học, Trường ĐH Văn Lang, chia sẻ: Chương trình trồng 1 triệu cây xanh trường phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh thực hiện.
“Chương trình sẽ trồng 1 triệu cây xanh ở ba TP lớn là Hà Nội, TP.HCM và TP Đà Nẵng. Trong năm 2022, chúng tôi cũng đã thực hiện trồng được khoảng 30.000 cây” - bà Quyền cho hay.
Theo bà Quyền, một cây xanh khi trưởng thành có thể cung cấp đủ ôxy cho cả một gia đình 4-5 người. “Với những lợi ích vốn có và tầm quan trong của cây xanh, tôi nghĩ mỗi người dân cần có ý thức hơn trong việc phát triển cây xanh” - bà Quyền nhấn mạnh.