TP.HCM: Người thu nhập thấp được vay tiền ‘khủng’, lãi thấp

Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 15/2019 điều chỉnh hạn mức, thời hạn cho vay đối với đối tượng có thu nhập thấp vay tiền tại Quỹ Phát triển nhà TP.HCM (HOF) để tạo lập nhà ở.

Theo đó, hạn mức cho vay được nâng từ tối đa 500 triệu đồng lên tối đa 900 triệu đồng với lãi suất 4,7%/năm trong thời gian 20 năm. Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc HOF, điều này đã mở ra nhiều cơ hội cho người lao động thu nhập thấp tại TP.HCM được sở hữu nhà ở.

Nâng mức cho vay gần gấp đôi

. Phóng viên: Từ năm 2015 đến nay, HOF đang có mức cho vay hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà tối đa là 500 triệu đồng/căn, thời hạn vay là 15 năm. Việc nâng gấp đôi mức cho vay quả là tin rất vui cho người dân. Tại sao có mức cho vay đột biến này, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Ngọc Thạch: Đây là sự quan tâm rất lớn của TP đến người lao động trong việc tạo lập nhà ở. Mục tiêu lớn nhất của TP là tạo điều kiện thuận lợi cho người thu nhập thấp có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của TP hỗ trợ cho họ mua nhà ở.

Những năm gần đây, giá nhà, đất đều tăng mạnh, có nơi thậm chí tăng dựng đứng. Để tìm được căn hộ chung cư giá khoảng 1,5 tỉ đồng là không dễ. Còn nhà ở riêng lẻ, những căn có diện tích nhỏ, nằm sâu trong hẻm cũng phải vài tỉ đồng mới mua được. Giá nhà, đất tăng cao, nếu không nâng hạn mức hỗ trợ cho vay thì người lao động thu nhập thấp thật sự rất khó để mua nhà.

Cũng trong bối cảnh này, nếu vẫn áp dụng theo hạn mức cũ, thí dụ để mua một căn nhà khoảng 1,5 tỉ đồng thì người dân cũng phải có sẵn trong tay 1 tỉ đồng. HOF cho vay thêm 500 triệu đồng nữa thì mới đủ để mua nhà. Mà người vay tiền diện này đa số là rất khó khăn về tài chính nên không dễ gì để có được số tiền lớn như thế.

Thực tế, trong quá trình tiếp xúc với những người đến HOF để tìm hiểu thông tin về gói vay, họ đủ điều kiện vay theo quy định nhưng cũng không thể vay. Vì với mức 500 triệu đồng, họ không có khả năng kiếm thêm một khoản tiền gấp đôi nữa để mua nhà.

. Mỗi năm HOF giải ngân bao nhiêu tiền cho các đối tượng thu nhập thấp vay mua nhà ở?

+ Trung bình mỗi năm khoảng trên dưới 200 tỉ đồng với khoảng 400-500 hồ sơ được xét duyệt cho vay. Riêng năm 2018, giá nhà đất tăng cao, với mức cho vay tối đa 500 triệu đồng/căn thì người thu nhập thấp khó mua nhà hơn. Do đó, HOF chỉ giải ngân được khoảng 150 tỉ đồng.

Quyết định 15 mới ban hành chưa đầy một tháng nhưng các đối tượng đến tìm hiểu thông tin và nộp hồ sơ rất nhiều. Mỗi ngày tại bộ phận tiếp dân có khoảng 50 trường hợp đến hỏi thông tin. Đó là chưa kể người dân gọi điện thoại tới hoặc hỏi thăm qua email của HOF. Do vậy, với việc nâng hạn mức cho vay lên tối đa 900 triệu đồng thì chắc chắn là năm 2019 con số giải ngân sẽ nhiều hơn 200 tỉ đồng.

Vợ chồng chị Trần Thị Thu Mỹ, giáo viên ở quận Thủ Đức, đến Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM  để nộp hồ sơ xin vay gói lãi suất ưu đãi mua nhà. Ảnh: VIỆT HOA

Cho cả căn hộ hình thành ở tương lai và nhà riêng lẻ

. Thưa ông, phải có điều kiện gì thì một đối tượng sẽ được vay tối đa 900 triệu đồng?

+ Để được vay mức tối đa 900 triệu đồng thì đầu tiên người vay phải thuộc đối tượng được vay theo quy định (xem box). Thứ hai là thu nhập của họ đủ khả năng trả nợ mức 900 triệu đồng. Thứ ba là tài sản của họ mua phải có 70% tổng trị giá căn nhà là 900 triệu đồng (trên 1,2 tỉ đồng). Thực tế, trường hợp mua nhà mà 70% tổng trị giá căn nhà chỉ khoảng 500-700 triệu đồng thì họ cũng sẽ được giải ngân mức vay này.

. Như vậy, với hạn mức cho vay này, nếu được vay 900 triệu đồng/căn thì người lao động phải trả bao nhiêu tiền một tháng?

+ Theo tính toán của chúng tôi, nếu một người được vay tối đa là 900 triệu đồng trong vòng 20 năm thì mỗi tháng tính ra cả lãi và gốc khoảng 7,3 triệu đồng (mức cao nhất và con số này sẽ giảm dần theo dư nợ). Số tiền này cũng gần bằng tiền thuê nhà trong một tháng. Tuy nhiên, hết thời gian vay thì HOF sẽ thanh lý hợp đồng và lúc đó căn nhà chính là tài sản của người vay sở hữu hoàn toàn.

. Qua tiếp xúc với người dân, nhiều người băn khoăn nếu họ mua căn hộ chung cư hình thành trong tương lai hoặc chung cư đã xây nhưng chưa có giấy chứng nhận thì có được giải quyết cho vay?

+ Nếu là căn hộ hình thành trong tương lai thì người dân cần có hợp đồng mua bán và đề nghị chủ đầu tư cung cấp pháp lý dự án để đi đăng ký giao dịch đảm bảo. Sau đó thế chấp vào HOF. Quỹ sẽ giải ngân số tiền 900 triệu đồng trực tiếp cho chủ đầu tư theo tiến độ thanh toán của dự án.

. Một số trường hợp người dân mua nhà ở riêng lẻ, người bán yêu cầu phải trả tiền mới sang tên. Trong khi để được giải ngân 900 triệu đồng thì phải có sổ để thế chấp. Trong trường hợp này, quỹ có hướng hỗ trợ người vay như thế nào?

+ Nếu người vay thương lượng được với người bán nhà thì sau khi có thông báo về hạn mức và thời hạn cho vay, người dân có thể mời người bán đến HOF. Quỹ sẽ ký cam kết ba bên gồm HOF, người vay, người bán nhà. Sau đó HOF sẽ giải ngân trực tiếp cho người bán nhà.

. Xin cám ơn ông.

“Nếu được vay, tôi sẽ mua được nhà”

Ngày 17-7, chị Trần Thị Điệp, giáo viên một trường cấp III tại quận Gò Vấp và chị Vũ Thị Miền, giáo viên một trường cấp II ở quận Bình Tân, đều đến HOF để tìm hiểu gói vay ưu đãi mua nhà. Hai chị cho biết đã tìm hiểu thông tin về gói ưu đãi này từ lâu.

Tuy nhiên, trước đây với mức tối đa 500 triệu đồng, cả hai đều thuộc đối tượng được vay nhưng vay số tiền này còn phải xoay thêm 1 tỉ đồng nữa mới có khả năng mua nhà. “Tôi không thể xoay thêm được nên vẫn không thể mua được nhà. Năm nay được nâng lên tối đa 900 triệu đồng tôi rất mừng, nếu được vay thì chắc chắn là tôi sẽ mua được nhà” - chị Miền phấn khởi.

Chị Điệp và chị Miền đều cho biết với thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng cả hai vợ chồng thì họ hoàn toàn có khả năng chi trả mỗi tháng khoảng 7,3 triệu đồng cho HOF.

Đối tượng nào được vay gói lãi suất ưu đãi?

Tại TP.HCM, đó là cán bộ, công chức, viên chức thuộc các sở, ban, ngành, quận, huyện, cơ quan hành chính - sự nghiệp thuộc khu vực hưởng lương từ ngân sách TP; lực lượng vũ trang nhân dân TP gồm quân đội nhân dân, công an nhân dân và dân quân tự vệ thuộc TP; cán bộ công đoàn chuyên trách, công chức, viên chức hưởng lương từ nguồn tài chính công đoàn thuộc tổ chức Công đoàn TP; cán bộ, công chức và người lao động thuộc Cục Thuế TP.

Người vay phải có hộ khẩu thường trú TP, có thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị từ ba năm liên tục trở lên. Tại thời điểm vay, người vay tiền mua nhà không đứng tên sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất; bản thân cũng như vợ/chồng người vay chưa từng được Nhà nước giải quyết chính sách về nhà ở, đất ở… Ngoài ra, người vay phải có khả năng tài chính trả trước 30% tiền mua căn hộ hoặc nhà dự định mua. Có khả năng trả nợ, thế chấp bằng chính căn hộ, nhà mà người vay sẽ mua. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới