TP.HCM: nhiều giải pháp để giảm ô nhiễm không khí

ONKK hiện đang là vấn đề được quan tâm nhiều vì ảnh hưởng rất lớn với sức khỏe của người dân. Chính vì thế, các nhà quản lý cũng như các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện tình hình ONKK. Trong đó, ở TP.HCM nhiều giải pháp đã và đang lên kế hoạch thực hiện.

TP.HCM có quá nhiều nguồn gây ONKK

“Cũng như các đô thị lớn khác tại Việt Nam, TP.HCM đang phải đối mặt với nguy cơ ONKK từ các phương tiện cơ giới, hoạt động công nghiệp và xây dựng, nhà máy điện, đốt rác ngoài trời, nấu ăn hộ gia đình… ONKK đang gây ra nhiều tác động cho sức khỏe, hệ sinh thái và khí hậu. Đặc biệt, ô nhiễm bụi mịn ở TP.HCM đang ở mức báo động, gây ra nhiều căn bệnh liên quan đường hô hấp”, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và Môi trường (thuộc Sở TN&MT TP.HCM) đánh giá .

Các phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân gây ra ONKK. Ảnh: CN

Ông Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ONKK và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết: ONKK, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn ở TP.HCM đang ở mức báo động. Theo khảo sát trên địa bàn TP.HCM, hoạt động giao thông có lượng phát thải cao, chiếm khoảng 99% trong tổng phát thải CO, SO2 chiếm 78%, bụi chiếm khoảng 46%… Với hoạt động công nghiệp của TP chiếm 22% trong tổng số phát thải SO2, bụi chiếm 21%.

Theo ông Bằng, với sự gia tăng của các phương tiện giao thông cá nhân như hiện nay, tình hình ONKK tại các đô thị lớn nói chung, TP.HCM nói riêng sẽ càng nghiêm trọng nếu không có các chính sách, hành động kịp thời và mục tiêu cụ thể nhằm kiểm soát nguồn phát thải của các phương tiện giao thông.

Nhiều giải pháp được đề ra

Theo Sở TN&MT TP.HCM, để quản lý chất lượng không khí, TP đang thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, TP.HCM xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại địa phương, trong đó TP đã xây dựng quy chuẩn cho khí thải từ lò đốt chất thải công nghiệp không nguy hại làm nhiên liệu. Đồng thời, xây dựng quy chuẩn về chỉ số mùi phát sinh từ các trạm trung chuyển và nhà máy xử lý chất thải rắn…

Một trong những giải pháp mà TP.HCM đang thực hiện nữa là kiểm soát khí thải phương tiện giao thông. Cụ thể, TP triển khai chương trình “thí điểm kiểm tra khí thải mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP, góp phần cải thiện chất lượng không khí…

Đối với những cơ sở sản xuất công nghiệp có lưu lượng khí thải lớn, hiện Sở TN&MT đã hoàn tất việc kết nối dữ liệu quan trắc tự động từ chín cơ sở sản xuất có lưu lượng khí thải lớn. Bên cạnh đó, định kỳ hàng năm, Sở TN&MT phối hợp cùng Ban Quản lý các chế xuất và công nghiệp, cảnh sát môi trường, UBND quận, huyện tiến hành kiểm tra việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở.

Ngày 6-11, Sở TN&MT phối hợp một số đơn vị tổ chức hội thảo khởi động dự án hỗ trợ kỹ thuật TA9608 “Nâng cao năng lực và hành động cải thiện chất lượng không khí”.

Theo đó, từ tháng 8-2019, Sở TN&MT TP.HCM nhận được đề nghị của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về việc thực hiện dự án TA9608-REG nhằm nâng cao năng lực và hành động cải thiện chất lượng không khí. Dự án đã được xây dựng và đề xuất hai thành phố tham gia là TP. Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) và TP.HCM. Đây là dự án vùng, dự kiến triển khai ở bảy thành phố thuộc năm quốc gia.

Đối với hợp phần của TP.HCM, ngân sách cho dự án là 250.000 USD được tài trợ trên cơ sở viện trợ không hoàn lại. Dự án bao gồm ba nội dung chính là: Đánh giá tình hình chất lượng không khí hiện tại và thực tiễn quản lý; Đánh giá lựa chọn chính sách và công nghệ hiệu quả để giải quyết chất lượng không khí; Xây dựng kế hoạch hành động không khí sạch TP.HCM (CAAP) cùng với ước tính đầu tư cho kiểm soát ONKK.

Nhằm hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường và cải thiện tình trạng ONKK ở TP, UBND TP.HCM đã phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực và hành động cải thiện chất lượng không khí và giao Sở TN&MT TP.HCM phối hợp các tư vấn dự án của Ngân hàng phát triển Châu Á thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới